Năm 2023, Thế giới Di động (MWG) vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng nhẹ so với năm 2022. Đặc biệt, công ty không đề cập đến kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023.
Năm 2023, Thế giới Di động (MWG) vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng nhẹ so với năm 2022. Đặc biệt, công ty không đề cập đến kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023.
Năm 2022, Thế giới di động đạt 133.405 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,5% so với năm 2021, trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn chỉ 7,6% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30.862 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Một trong những điểm nhấn năm 2022 là Thế giới Di động ghi nhận khoản chi phí tài chính 1.382 tỷ đồng – tăng hơn 92% so với cùng kỳ trong đó chủ yếu là chi trả lãi vay. Tổng nợ phải trả tính đến 31/12/2022 hơn 31.900 tỷ đồng, giảm 25,1% so với số đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 10.688 tỷ đồng (giảm 13.950 tỷ đồng so với đầu kỳ) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 5.900 tỷ đồng trong khi đầu kỳ bằng 0.
Kết quả, năm 2022 Thế giới di động đạt hơn 4.100 tỷ đồng, giảm 800 tỷ đồng tương ứng giảm 16,3% so với số lãi hơn 4.900 tỷ đồng đạt được năm 2021.
Ngày 16/03 vừa qua, Thế giới Di động công bố nội dung các tờ trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Theo đó, năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ ở mức 1% và 2% so với kết quả thực hiện năm 2022. Phương án chi trả cổ tức năm 2022 và 2023 chưa được doanh nghiệp công bố.
Kế hoạch kinh doanh được công ty đưa ra dựa trên tình hình hiện tại và giả định sức mua sẽ có sự hồi phục tích cực từ quý III/2023. Trong những tháng đầu năm, Thế Giới Di Động cho biết kết quả sơ bộ về sức mua điện thoại, điện máy đang giảm mạnh hơn so với dự báo của doanh nghiệp.
Về kế hoạch kinh doanh, Thế giới di động cũng ghi nhận những công việc cụ thể:
- Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh, để tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng, sẽ tập trung vào tăng giá trị giỏ hàng, tăng tần suất mua hàng, tăng lưu lượng lượt khách hàng mới từ kênh chợ và siêu thị. Ngoài ra còn thay đổi cách thức vận hành kho vận vừa giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm hao hụt, hủy hàng tươi sống, tạo dư địa tăng biên lợi nhuận gộp.
- Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm cho mẹ và bé AVAKids, công ty sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương.
- Nếu tình hình dòng tiền cho phép và giá cổ phiếu hấp dẫn, HĐQT dự kiến thực hiện việc mua lại cổ phiếu quỹ để giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Thế giới di động cho biết, vào tháng 6/2022, công ty đã hoàn tất thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ lợi nhuận giữ lại theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, và phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu dựa trên lợi nhuận chưa phân phối theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Cụ thể, tỷ lệ cổ tức tiền mặt là 10%/cp, tương đương số tiền chi trả là gần 732 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu là 1:1, tương ứng số lượng cổ phiếu đã phát hành là gần 732 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, doanh nghiệp không đề cập đến kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023.
Bên cạnh đó, nội dung đáng quan tâm nhất chính là báo cáo về việc doanh nghiệp không phát hành cổ phiếu ESOP năm 2022.
Cụ thể, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022, MWG dự định phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ phát hành tối đa 2,5% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Tuy nhiên, dù năm 2022 đã qua gần 3 tháng nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa thực hiện.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới, Ban lãnh đạo MWG sẽ báo cáo cổ đông về vấn đề này. Theo nội dung sơ bộ, nguyên nhân Công ty không phát hành ESOP là vì lợi nhuận sau thuế 2022 không đạt mức tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2021.
Trong quá khứ, Thế giới di động từng là doanh nghiệp ưa chuộng phát hành ESOP như một công cụ để khuyến khích và giữ chân người lao động, đặc biệt là cấp quản lý chủ chốt.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, lãnh đạo MWG cho biết, lương của nhân viên MWG không có gì đặc biệt, thậm chí thấp hơn thị trường. Bù lại, phần thưởng, những cổ phiếu ESOP, mới là phần thú vị và gắn liền với kết quả kinh doanh của công ty. Thậm chí, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài của MWG còn khẳng định "ESOP là linh hồn, là yếu tố sống còn, thậm chí là một bí kíp cho sự phát triển của MWG"
Còn tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Ông Nguyễn Đức Tài phát biểu: “Nếu chính sách ESOP của Công ty không còn tồn tại thì tôi cho rằng đó là dấu hiệu phản ánh thành tích của tập đoàn này sẽ không thể duy trì, không được đảm bảo trong tương lai…”
Được biết, ESOP là chính sách tưởng thưởng của MWG dành cho những cán bộ nhân viên đã góp sức vào sự tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của Công ty. Dù vậy, đây cũng là vấn đề gây bức xúc với các nhà đầu tư cổ phiếu và liên tục được đem ra bàn cãi tại các kỳ họp cổ đông. Khi mà, với giá trị phát hành ESOP lên đến hàng ngàn tỷ mỗi năm, cổ đông bên ngoài phải đối mặt với vấn đề pha loãng cổ phần, giảm giá trị đầu tư tren sàn.
Tại phiên họp tháng 6/2020, bất chấp những chỉ trích phía cổ đông, ông Nguyễn Đức Tài - khẳng định ESOP là một yếu tố quan trọng sống còn và là bí kíp cho sự phát triển của MWG. MWG chưa thấy có gì khác có thể thay thế hoàn hảo ESOP nên ESOP sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều năm tới.
"Nếu quý cổ đông cảm thấy bực bội với chính sách ESOP này thì cân nhắc việc nên tiếp tục đầu tư vào MWG hay đầu tư vào 1 cổ phiếu khác mang lại cho cổ đông cả tiền và niềm vui", ông Tài nói.
Hà Phương