PGBank có quý tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng (36% so với cùng kỳ năm 2023) kể từ khi đón nhóm cổ đông mới. Lũy kế từ đầu năm, lãi sau thuế đạt hơn 275 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của PGBank tính đến 30/9 tăng trên ngưỡng 3%.
PGBank có quý tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng (36% so với cùng kỳ năm 2023) kể từ khi đón nhóm cổ đông mới. Lũy kế từ đầu năm, lãi sau thuế đạt hơn 275 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của PGBank tính đến 30/9 tăng trên ngưỡng 3%.
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 61,4 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy lãi sau thuế quý III tăng bứt phá nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, PGBank lại ghi nhận lãi sau thuế giảm 4% so với đầu năm, đạt hơn 275,4 tỷ đồng.
Riêng quý III/2024, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gần 50% so với năm trước, đạt gần 416 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ tăng trưởng thu nhập lãi, trong khi chi phí lãi giảm.
Ngoài ra, những khoản thu nhập ngoài lãi cũng mang về khoản lợi nhuận lớn. Cụ thể, hoạt động kinh doanh ngoại hối đóng góp hơn 8 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước; lãi từ hoạt động kinh doanh khác đạt hơn 14,5 tỷ đồng, tăng 104%. Ngược lại, lãi thuần từ dịch vụ giảm gần 40%, chỉ còn 9 tỷ đồng.
Trong quý, chi phí hoạt động tăng 19%, đạt 224 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh 96% lên 224 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại PGBank trong quý III tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, lên mức gần 147 tỷ đồng.
Đặc biệt, tính đến 30/9/2024, các khoản lãi, phí phải thu (lãi dự thu) tại PGBank tăng 10% so với đầu năm, đạt hơn 625 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/09/2024, tổng tài sản PGBank tăng hơn 11% so với đầu năm, đạt 61.804 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là dư nợ cho vay khách hàng đạt 36.894 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% và hơn 20.000 tỷ đồng tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác, tăng 43% so với đầu năm. Tăng trưởng cho vay của PGBank chủ yếu đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp (công ty TNHH khác và CTCP khác lần lượt tăng 17,3% và 4,5%) và cho vay hộ kinh doanh cá nhân tăng 6,5%.
Nợ phải trả tại PGBank đạt gần 57.000 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm chủ yếu do tiền gửi của các TCTD khác tăng 31%, đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tiền gửi của khách hàng tăng 7%, lên hơn 38.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, lô trái phiếu 500 tỷ đồng đã được PGBank mua lại trước hạn nên tại thời điểm cuối quý 3 không còn ghi nhận khoản mục phát hành giấy tờ có giá.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tại PGBank tính đến 30/9/2024 tăng 17% so với đầu năm, lên mức 1.175 tỷ đồng. Do nợ xấu tăng nhanh hơn dư nợ cho vay đã kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của PGBank tăng từ 2,85% lên 3,19% (vượt mức quy định của Ngân hàng nhà nước).
Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng nhẹ 2% ghi nhận hơn 226 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 20% lên hơn 352 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 21% lên hơn 596 tỷ đồng, chiếm tới 51% tổng nợ xấu ngân hàng.
Ngoài khoản nợ xấu kể trên, PGBank còn có 2.360 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, tăng 14% so với đầu năm, bao gồm cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết bảo lãnh khác.
Lê Thanh