Năm 2023, điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận và nợ xấu tại nhóm công ty tài chính tiêu dùng.
Năm 2023, điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận và nợ xấu tại nhóm công ty tài chính tiêu dùng.
Sự khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng đã và đang ngấm sâu dần vào hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là những công ty chiếm thị phần lớn.
Đầu tiên phải nhắc tới VietCredit. Khác với những "ông lớn" trong ngành với các sản phẩm chính tập trung là cho vay tín chấp tiêu dùng (mua sắm hàng hoá) thì VietCredit lại tập trung vào các dòng sản phẩm như thẻ tín dụng, cho vay tiểu thương trả góp và sau đó là mua trước trả sau (từ tháng 8/2021).
Giai đoạn 2017 - 2022, tổng thu nhập hoạt động của VietCredit tăng trưởng mạnh, cao nhất lên tới 1.456 tỷ đồng. Dù con số tổng thu nhập lên tới nghìn tỷ, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của công ty tăng. Cùng với đó, chi phí hoạt động cũng bị đội lên. Chính vì vậy, lợi nhuận tại VietCredit các năm chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng. (2017 lãi trước thuế 12 tỷ, 2018 lỗ tới 52 tỷ,.. năm 2022 lãi 76 tỷ song vẫn tăng 52% so với năm trước)
Năm 2023, dù ghi nhận khoản lãi đột biến trong quý IV nhờ xử lý nợ xấu song lợi nhuận cả năm của VietCredit vẫn giảm sâu 66% so với năm 2022, xuống còn 25,6 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh chính sụt giảm và chi phí dự phòng tăng cao.
VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) thành lập ngày 29/5/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập của công ty là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chiếm 61,5% vốn điều lệ.
Công ty tài chính tiêu dùng này được mong chờ sẽ tạo ra sự đột phá khi cơ cấu cổ đông ngoài Vietcombank còn có Ngân hàng TMCP Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016).
Đến tháng 5/2018, công ty chính thức tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng. Ngày 18/6/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cấp đổi giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng. Theo đó, công ty đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company), đồng thời tăng vốn điều lệ lên gần 688 tỷ đồng. Vào năm 2021, các cổ đông sáng lập và định chế tài chính trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem.
Một công ty tài chính khác là HD Saison cũng báo lãi trước thuế năm 2023 giảm tới 42% so với năm 2022, xuống còn 660 tỷ đồng và thu nhập hoạt động đạt 5.959 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2022.
Ra đời khá sớm từ những năm 2014, FE Credit có tiền thân là bộ phận Tài chính tiêu dùng của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Lợi nhuận trước thuế của FE Credit đã ghi nhận tăng trưởng mạnh trong các năm 2016, 2017, vượt ngưỡng 4.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% thu nhập ròng của ngân hàng hợp nhất) thì chững lại, sau đó dần sụt giảm mạnh trong các năm tiếp theo.
Sau nhiều năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận vào ngân hàng mẹ, FE Credit đang trải qua thời điểm khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng. Năm 2022, FE Credit ghi nhận mức lỗ kỷ lục 3.937 tỷ đồng. Đến năm 2023, công ty tài chính này vẫn lỗ nhưng đã giảm còn hơn 3.500 tỷ đồng dù kết quả kinh doanh của FE Credit đã ghi nhận những kết quả khởi sắc khi có lãi trong hai quý liên tiếp.
Đối với Công ty TNHH MTV Home Credit Việt Nam hiện chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Theo số liệu mới nhất, 6 tháng đầu năm 2023, công ty tài chính này thu về hơn 211 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) là 3,22%. Vừa qua, Home Credit đã chính thức về tay người Thái với giá gần 21.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietCredit đã tăng 4,9% so với đầu năm đạt 6.852 tỷ đồng, số dư cho vay khác hàng tăng 4,6%, lên 4.621 tỷ đồng. Cả hai kết quả trên đều cải thiện so với cuối quý III/2023, khi cả tổng tài sản và cho vay khách hàng đều đi xuống.
Nợ xấu của VietCredit tính đến thời điểm 31/12/2023 đã lên tới 853 tỷ đồng, tăng 62% so với đầu năm, tương ứng tỷ lệ nợ xấu ngưỡng 18,47% trong khi hồi đầu năm ỏ mức 11,88%.
Hiện VietCredit vẫn còn tài sản gán nợ, chuyển giao chờ xử lý là các tàu biển đã và đang chờ hoàn thiện. Trong năm 2023, VietCredit đã thanh lý được một tàu biển CFC 3 của CTCP Hương Thủy. Hiện công ty vẫn còn 4 tàu biển khác, với giá trị ghi sổ là 113,5 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với cuối năm 2022 do khấu hao.
Còn tại FE Credit, trong báo cáo mới về ngân hàng VPBank, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) và nợ nhóm 2 của FE Credit lần lượt ở mức 17,8% và 11,9%, nhích nhẹ so với cuối quý III. Tuy nhiên nếu so với quý II/2023, nợ xấu đã có sự cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm hai vào thời điểm cuối quý II từng đạt 28,4% và 10,3%.
Tại HD Saison, tính đến cuối năm 2023 ghi nhận dư nợ đạt 16.086 tỷ đồng, giảm so với năm 2022. Số dư nợ xấu của HD Saison ở mức 1.225 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 7,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu dưới 8% vẫn có thể coi là tích cực trong bối cảnh tình hình khó khăn với toàn ngành tài chính ngân hàng.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh của nhóm công ty tài chính tiêu dùng đi xuống trong bối cảnh tệp khách hàng chính của họ rơi vào khó khăn, kéo theo nợ xấu tăng nhanh.
Trước đó, ngày 24/5/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sơ kết năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đen, đồng thời có nhiều kiến nghị, đề xuất để góp phần ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen.
Theo đó, những tháng đầu năm 2023, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép gặp nhiều khó khăn, nhất là hoạt động thu nợ.
VNBA cho biết, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ khủng bố, đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều từ hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng. Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý.
Lê Thanh