Lợi nhuận khối công ty tài chính tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 biến động mạnh, Home Credit báo lãi chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, trong khi VietCredit báo lỗ và nợ xấu tăng...
Lợi nhuận khối công ty tài chính tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 biến động mạnh, Home Credit báo lãi chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, trong khi VietCredit báo lỗ và nợ xấu tăng...
Hiện nay, thị trường tài chính tiêu dùng ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, mảng từng mang lại "trứng vàng" nghìn tỷ đồng cho các nhà băng trong những năm trước.
VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) thành lập ngày 29/5/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập của công ty là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chiếm 61,5% vốn điều lệ.
Công ty tài chính tiêu dùng này được mong chờ sẽ tạo ra sự đột phá khi cơ cấu cổ đông ngoài Vietcombank còn có Ngân hàng TMCP Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016).
Đến tháng 5/2018, công ty chính thức tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng. Tháng 6/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cấp đổi giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng. Theo đó, công ty đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company - mã: TIN), đồng thời tăng vốn điều lệ lên gần 688 tỷ đồng.
Vào năm 2021, các cổ đông sáng lập và định chế tài chính trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem.
Khác với những "ông lớn" trong ngành như FE Credit, Home Credit với các sản phẩm chính tập trung là cho vay tín chấp tiêu dùng (mua sắm hàng hoá) thì VietCredit lại tập trung vào các dòng sản phẩm như thẻ tín dụng, cho vay tiểu thương trả góp và sau đó là mua trước trả sau (từ tháng 8/2021).
Dù sớm đi vào hoạt động nhưng quá trình phát triển của VietCredit gắn liền với những năm kinh tế gặp khủng hoảng, tình hình kinh doanh của công ty mới chỉ khởi sắc từ năm 2020 tới nay.
Năm 2022, VietCredit đạt được kết quả lãi 75,6 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2021. Trong quý I/2023, doanh nghiệp này báo cáo lãi trước thuế đạt 54,3 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tuy nhiên, đến quý II/2023 bất ngờ Công ty báo lỗ sau khi công bố báo cáo soát xét sau kiểm toán.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2023, VietCredit báo lỗ sau thuế 73,6 tỷ đồng (cùng kỳ 2022 lãi 42,5 tỷ đồng). VietCredit đã điều chỉnh phân bổ doanh thu các loại phí thay vì ghi nhận một lần tại thời điểm phát sinh như nhiều loại doanh thu phí khác, để đảm bảo tính thận trọng hơn trong việc ghi nhận doanh thu. Do đó, kết quả hoạt động kinh doanh của VietCredit cho giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lỗ.
Đáng chú ý, tính đến 30/6/2023, dư nợ cho vay khách hàng giảm 8%, còn hơn 4.062 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá lần lượt giảm 29% và 44% so với đầu năm, xuống còn 299 tỷ đồng và 2.052 tỷ đồng.
Đặc biệt, nợ xấu của VietCredit tăng mạnh 56% so với đầu năm lên hơn 819 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp hơn 2 lần, lên gần 486 tỷ đồng và nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 233 tỷ đồng hồi đầu năm lên 312 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm trong khi nợ xấu tăng cao khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 20,17%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 53,4% xuống còn 47%.
Được biết, năm 2023, VietCredit đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế tăng 41% so với năm 2022, lên gần 107 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến đạt hơn 7.122 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng nguồn vốn huy động tăng 7%, lên 5.741 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 10%. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại tỷ lệ nợ xấu đã vượt quá kế hoạch đề ra.
Góp mặt trong Top 3 về thị phần tài chính tiêu dùng trong nước, Home Credit là cái tên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng với các sản phẩm cho vay tín chấp trả góp tại nhiều siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam.
Là một trong những công ty tài chính có vốn đầu tư nước ngoài ra đời sớm nhất tại Việt Nam, được cấp phép hoạt động 50 năm kể từ ngày 18/4/2008, Công ty tài chính TNHH Một thành viên Home Credit Việt Nam bắt đầu hoạt động với số vốn là 550 tỷ đồng, do Công ty Home Credit B.V (có trụ sở chính tại Hà Lan) sở hữu 100% vốn điều lệ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Home Credit có trụ sở chính ở TP HCM, một chi nhánh ở Hà Nội và 10 văn phòng đại diện tại các tỉnh thành trong cả nước và hơn 6.000 nhân viên.
Từ năm 2018-2021, Home Credit ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với mức đỉnh vào năm 2017. Bất ngờ đến năm 2022, kết quả kinh doanh tại Home Credit hồi phục mạnh mẽ. Theo đó, công ty tài chính tiêu dùng này ghi nhận lãi sau thuế đạt 1.189 tỷ đồng, cao gấp 2,16 lần năm 2021.
Đến 6 tháng đầu năm 2023, Home Credit công bố mức lợi nhuận sau thuế hơn 211 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 18,64% còn 3,22%.
Tính đến cuối quý II/2023, vốn chủ sở hữu của công ty tài chính này đạt 6.571 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% so với ngày đầu năm. Tổng nợ phải trả gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu, khoảng 18.202 tỷ đồng, giảm 29% sau 6 tháng. Trong đó, dư nợ trái phiếu tăng không đáng kể, ở mức 1.117 tỷ đồng và chiếm 5% tổng nguồn vốn. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Home Credit gần 24.773 tỷ.
Gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng từ năm 2016, sau 7 năm hoạt động Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei (Mcredit) đã có sự bứt phá ấn tượng, vươn lên vị trí Top 3 về thị phần, lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong 4 năm trở lại đây.
Tháng 10/2017, MB hoàn tất thủ tục bán 49% của Mcredit cho đối tác Nhật Bản Shinsei Bank, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, MB sở hữu 50% và 1% vốn còn lại do Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành sở hữu. Thương vụ ước tính mang về cho MB khoảng 615 tỷ đồng lợi nhuận.
Việc nằm trong hệ sinh thái của ngân hàng MB đã mang lại cho Mcredit những lợi thế về chi phí vốn và mạng lưới bán hàng rộng lớn. Ngay trong năm đầu tiên hoạt động Mcredit đã có thể đạt mức hoà vốn nhờ việc đẩy mạnh việc bán lẻ qua hệ thống 13.000 điểm bán lẻ của Viettel/VNPost.
Năm 2022, doanh thu của Mcredit đạt 5.687 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế lên tới 1.201 tỷ, tăng 100% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Mcredit báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 là 328 tỷ đồng, giảm gần 32% so với cùng kỳ.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/06/2023 đạt 3.152 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,92%. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đạt 0,73 lần. Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định là 14,42%...
Nửa đầu năm 2023 những tác động tiêu cực từ thị trường đã kéo giảm lợi nhuận của HD Saison. Theo số liệu được công bố mới đây, tổng thu nhập hoạt động của HD Saison đạt 2.956 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của HD Saison chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số 6 tháng đầu năm 2022.
Tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ của HD Saison có sụt giảm nhẹ so với cuối năm 2022 nhưng vẫn duy trì ở mức xấp xỉ với cùng kỳ năm trước với 15.590 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 7,1% (cuối năm 2022) lên 7,9% với 1.234 tỷ đồng.
Một trong những điểm sáng tích cực trong hoạt động của HD Saison là công ty này vẫn giữ vững được thị phần cho vay xe máy, một trong những thế mạnh của mình trong nửa đầu năm 2023 với thị phần 42%, tăng nhẹ so với mức 37% cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 5 mới đây, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc HD Saison, cho biết công ty vẫn hoạt động ổn định trong thời gian qua nhờ định hướng kinh doanh khá khác biệt so với các bên cho vay tiêu dùng khác. "Chúng tôi chủ yếu cho vay mua xe máy, hàng điện máy… trả góp, khác với các đơn vị khác chủ yếu cho vay tiền mặt", ông nói.
Từng giữ ngôi vương về lợi nhuận trong nhóm các công ty tài chính tiêu dùng, tuy nhiên, 2023 tiếp tục là năm kinh doanh “khó khăn” đối với FE Credit. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty tín dụng tiêu dùng này lỗ sau thuế đến 2.996 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi 144 tỷ đồng), vượt xa tổng lỗ sau thuế cả năm 2022 là 2.376 tỷ đồng.
Việc thua lỗ cũng kéo vốn chủ sở hữu của FE Credit giảm 23% xuống còn 10,250 tỷ đồng, từ mức 13,241 tỷ đồng của đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng lên mức 5,43 lần so với mức 4,78 lần của đầu năm, tương ứng nợ phải trả tính đến ngày 30/06/2023 là 55,658 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm.
Có thể thấy, trong bối cảnh tổng thể của ngành, việc các công ty tài chính tiêu dùng ghi nhận khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm được xem là hệ quả tất yếu. Những khó khăn mà các công ty tài chính đang gặp phải theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là hệ quả từ những khó khăn chung của kinh tế vĩ mô bắt đầu xuất hiện vào những tháng cuối năm 2022.
Lê Thanh - Huy Tùng