Ngoài con số lợi nhuận khả quan, tình hình nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 ghi nhận con số khổng lồ, đặc biệt là nhóm nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng mẹ.
Ngoài con số lợi nhuận khả quan, tình hình nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 ghi nhận con số khổng lồ, đặc biệt là nhóm nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng mẹ.
Năm 2022, nhiều chỉ tiêu nợ của ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MB) gồm nợ có khả năng mất vốn, nợ nghi ngờ, nợ cần chú ý... có xu hướng xấu đi. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của MB tăng vọt, đặc biệt tăng nhanh tại ngân hàng mẹ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, tính đến 31/12/2022, nợ xấu tại MB ghi nhận hơn 5.031 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng nhẹ 6% lên hơn 1.517 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 20% lên mức 1.221 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 180% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 1.474 tỷ đồng, lên mức 2.293 tỷ đồng.
Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ mức 0,9% đầu năm lên 1, 09%.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ cuối năm 2022 tăng 56% ghi nhận hơn 3.625 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tăng tới 179% so với đầu năm, lên hơn 2.224 tỷ đồng.
Bước sang 3 tháng đầu năm 2023, nợ xấu tại ngân hàng MB vẫn không ngừng tăng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, tính đến 31/3/2023, nợ xấu hợp nhất ghi nhận hơn 8.453 tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 128% lên hơn 3.455 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 33% ghi nhận 1.622 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng tới 47% từ 2.293 tỷ đồng lên gần 3.376 tỷ đồng. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,09% đầu năm lên 1,76%.
Trong khi đó, tại báo cáo tài chính riêng lẻ, nợ xấu tại ngân hàng mẹ tính đến 31/3/2023 ghi nhận hơn 6.738 tỷ đồng, tăng tới 86% so với đầu năm. Nợ có khả năng mất vốn tăng tới 50%, ghi nhận hơn 3.332 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 25/4/2023, Phó Tổng giám đốc thường trực Phạm Như Ánh tại ngân hàng MB cho biết, cho vay bất động sản bao gồm cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay mua nhà để ở. Hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 7,8% trong tổng cho vay của MB, thuộc top các ngân hàng thấp nhất trên thị trường. Nếu cộng cả cho vay cá nhân mua nhà thì cao nhưng không thể hiện đúng bản chất.
Với tỷ lệ dư nợ tín dụng cho Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam, phía ngân hàng xin phép không được cung cấp thông tin số dư cụ thể các khách hàng này.
Tuy nhiên, phải khẳng định, với Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, chỉ cho vay khoản nhỏ về lĩnh vực xây lắp, hoàn toàn trong khả năng kiểm soát.
Với Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trời. Hiện nay, tập đoàn này vẫn hoàn thành tốt các nghĩa vụ nợ, dự kiến cũng không có nợ xấu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Với Novaland là đối tác bất động sản lớn, MB có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên MB quản lý từng dự án cụ thể.
MB tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ như cổ đông nói. MB kiểm soát tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 8% trong tổng cho vay. Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản bảo đảm, được cho sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay.
Mặt khác, hiện dư nợ giảm tương đối lớn, không còn nhiều như đầu năm. Năm 2023, dự kiến không phát sinh nợ xấu từ Novaland. Hiện tại ngân hàng vẫn quản trị tiền trên tài khoản để thu đủ gốc và lãi và dự kiến là không có áp lực nợ xấu trong năm 2023.
Huy Tùng - Lê Minh