Với nhiều lý do khác nhau nhưng do hiện trạng “chưa thu xếp được tài chính” nên nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán.
Với nhiều lý do khác nhau nhưng do hiện trạng “chưa thu xếp được tài chính” nên nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm). Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật.
Về nguyên nhân chậm thanh toán, DLG cho biết, do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.
Hay như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (AGM) phải tổ chức hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai lô trái phiếu với mã AGMH2123001 và AGMH2223001. Trong đó, lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng. Hồi cuối năm 2022, Angimex cũng tuyên bố mất khả năng thanh toán khi đến kỳ trả lãi (3 tháng/lần) đối với hai lô trái phiếu trên.
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đã thông báo lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lãi, gốc hai lô trái phiếu với tổng số tiền gần 1.080 tỷ đồng. Tập đoàn này cho biết, nguyên nhân là chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán.
Tính đến ngày 17/2/2023, Novaland chưa thanh toán lãi gần 26,5 tỷ đồng đối với lô trái phiếu NVLH2224005; chưa thanh toán lãi 53,2 tỷ đồng và gốc 1.000 tỷ đồng đối với lô trái phiếu NVLH2123009 (ngày thanh toán theo kế hoạch là 13/2).
Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC) cũng vừa có báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu TDC.BOND.2020.700. Lô trái phiếu có mệnh giá 700 tỷ đồng, đáo hạn ngày 15/11/2025. Từ ngày 15 - 22/2/2023, Becamex TDC phải thanh toán 23,82 tỷ đồng lãi đến hạn. Theo đó, ngày 15/2/2023, Công ty đã thanh toán 7 tỷ đồng, số tiền chưa thanh toán là hơn 16,8 tỷ đồng. Becamex TDC đưa ra phương án hoàn thành thanh toán trước ngày 23/3/2023, tức là lùi 1 tháng.
Becamex TDC cho biết, sẽ thanh toán phần lãi còn lại và tiền phạt lãi chậm trả tính đến ngày thanh toán. Lý do là tình hình giao dịch BĐS thời gian qua rất chậm, ảnh hưởng tới dòng tiền sản xuất kinh doanh. Thị trường BĐS ảm đạm cũng khiến Becamex TDC ghi nhận mức lỗ kỷ lục 104,4 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án 'kim cương' tại thành phố biển cũng xin chậm thanh toán nợ trái phiếu. Cụ thể, công ty Cổ phần Lâu Đài Trắng mới đây đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn với 2 năm được phát hành ngày 22/11/2021, ngày đáo hạn là 22/5/2023. Tổng khối lượng phát hành theo mệnh giá là 240 tỷ đồng.
Theo tiến độ, ngày 5/1/2023 doanh nghiệp này sẽ thanh toán mua lại trước hạn trái phiếu. Tuy nhiên công ty cho biết việc chậm thanh toán do đang chịu nhiều tác động không tích cực từ thị trường, công ty chưa thu xếp được nguồn vốn để thanh toán theo kế hoạch. Thời gian dự kiến thanh toán tiếp theo chậm nhất ngày 28/2/2023.
CTCP Lâu Đài Trắng được thành lập vào năm 1993 với ngành nghề đăng ký kinh doanh là dịch vụ lưu trú ngắn hạn, trụ sở tại 24 Hạ Long, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Vũ Hồng Quang (sinh năm 1942, thường trú tại Tp.HCM) làm Giám đốc và đại diện pháp luật.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17,5 nghìn tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10,5 nghìn tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5,9 nghìn tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, khó khăn thanh khoản trái phiếu sẽ tiếp diễn trong năm nay. Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3/2023, các kênh huy động vốn đều đang tắc khiến doanh nghiệp khó tìm nguồn vốn đáo hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, để giải quyết tình hình trước khi chờ đợi vào những thay đổi về cơ chế chính sách khi Nghị định 65/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế được sửa đổi, bổ sung. Các doanh doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần đẩy mạnh tái cấu trúc phương án tài chính, sắp xếp tài sản đảm bảo, khơi thông dòng tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn có thể coi là “đỉnh nợ” năm 2023 - 2024
Đức An (tổng hợp)