Xu hướng hấp thụ tín dụng trái chiều trên thị trường thời gian gần đây cho thấy, mức lãi suất cho vay hiện tại đã trở nên dễ tiếp cận hơn với các chủ đầu tư trong khi vẫn chưa đủ hấp dẫn người mua nhà, theo chuyên gia.
Xu hướng hấp thụ tín dụng trái chiều trên thị trường thời gian gần đây cho thấy, mức lãi suất cho vay hiện tại đã trở nên dễ tiếp cận hơn với các chủ đầu tư trong khi vẫn chưa đủ hấp dẫn người mua nhà, theo chuyên gia.
Thời gian qua, trước tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, Chính phủ và các bộ, ngành, UBND các tỉnh đã quyết liệt vào cuộc “gỡ khó” cho thị trường.
Sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Hiệu quả của các đợt giảm lãi suất điều hành trên thấy rõ ngay sau đó, khi các ngân hàng thương mại đã liên tiếp điều chỉnh giảm sâu lãi suất huy động.
Đáng chú ý, nhờ việc kéo giảm lãi suất huy động, những tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng đã niêm yết giảm mạnh lãi suất cho vay mua nhà với kỳ hạn ngắn.
Cụ thể, khảo sát của chúng tôi cho thấy, hiện lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng trong tháng 9 đang dao động từ 4,99-11,8%/năm; trong đó, lãi suất vay mua nhà thấp nhất hiện nay đang thuộc về Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ở mức 4,99%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ kéo dài trong 3 tháng đầu với các khoản vay có thời hạn trên 24 tháng.
Còn tại các ngân hàng thương mại khác, như TPBank, HDB, VIB, Eximbank..., lãi suất cho vay mua nhà không có sự chênh lệch nhiều, dao động chủ yếu trong khoảng 6,8 - 9%/năm.
Một số ngân hàng khác có mức lãi vay trên 9%/năm, có thể kể đến như SeABank (9,29%/năm), UOB (9,49%/năm), Sacombank (9,5%/năm)..
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vndirect (Vndirect) cho thấy, tính đến cuối tháng 8 năm 2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng tư nhân đã lần lượt giảm khoảng 1,1/1,8 điểm % kể từ đầu năm, kéo theo lãi suất cho vay giảm 0,5-1,0 điểm %.
Tín dụng vào bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 4,68% kể từ đầu năm lên mức 2.701 nghìn tỷ đồng (~21,9% tổng tín dụng toàn nền kinh tế), trước khi thu hẹp xuống còn 2.622 nghìn tỷ đồng (+1,65% kể từ đầu năm, ~21,0% tổng tín dụng toàn nền kinh tế) trong 7 tháng 2023. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản (946 nghìn tỷ đồng) tính đến cuối quý 2/2023 đã tăng 17,4% kể từ đầu năm, trong khi tín dụng tiêu dùng bất động sản (1.753 nghìn tỷ đồng) giảm 1,12%.
“Xu hướng hấp thụ tín dụng trái chiều trên thị trường cho thấy, mức lãi suất cho vay hiện tại đã trở nên dễ tiếp cận hơn với các chủ đầu tư trong khi vẫn chưa đủ để hấp dẫn người mua nhà”, chuyên gia Vndirect nhận định.
Đánh giá về khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, Vndirect đưa ra dự báo, lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục xu hướng giảm, nhờ vào: (1) tác động từ 4 đợt giảm lãi suất của NHNN, (2) nhu cầu tín dụng yếu trong nửa đầu năm 2023 làm giảm áp lực huy động, (3) Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư 02 cho phép các NHTM giãn trích lập dự phòng nợ xấu. Hai yếu tố trên sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn để có dự địa hạ lãi suất cho vay. Do đó, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trước thời điểm cuối năm 2023, giúp lãi suất cho vay có thể giảm thêm 100-150 điểm cơ bản tính đến quý 1/2024.
“Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tác động đến các kênh dẫn vốn, pháp lý và cân đối cung – cầu trên thị trường bất động sản, tuy nhiên việc thực thi cần quyết liệt hơn và cần đầy mạnh sự đồng bộ giữa các chính sách để giải quyết được những vấn đề pháp lý còn tồn đọng.
Chúng tôi tin rằng, Luật Đất đai 2023 nếu được thực hiện đúng tiến độ sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024, từ đó đánh dấu bước ngoặt lớn đối với lĩnh vực bất động sản khi giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt dự án ở các dự án khu dân cư mới, giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi trong giai đoạn 2024-25”, Vndirect nhận định.
Minh Quân