Lãi dự thu càng lớn có thể tác động tới lợi nhuận ngân hàng trong tương lai, khi giả sử một phần lãi dự thu trở thành nợ xấu không thể thu hồi được.
Lãi dự thu càng lớn có thể tác động tới lợi nhuận ngân hàng trong tương lai, khi giả sử một phần lãi dự thu trở thành nợ xấu không thể thu hồi được.
Nửa đầu năm 2021, phần lớn các nhà băng đều ghi nhận lợi nhuận tốt như BIDV, TPBank, Techcombank, MSB, LienVietPostBank,... Thậm chí, có một số ngân hàng gần hoàn thành kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, dư địa tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2021 không còn nhiều khi ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra trên diện rộng và kéo dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tín dụng khi khu vực sản xuất gặp khó khăn, mà các ngân hàng còn phải chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.
Đáng lưu ý, lợi nhuận nửa đầu năm 2021, thậm chí cả năm ngoái của ngành ngân hàng vẫn chưa phản ánh đúng hiệu quả hoạt động, vì những con số lợi nhuận phần nào đến từ việc giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, Thông tư 03 và rất có thể nợ xấu sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2021. Điều này sẽ tác động lên lợi nhuận của ngành trong năm nay.
Báo cáo cập nhật về triển vọng ngành ngân hàng, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2021 và năm 2022 sẽ phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu.
Theo đó, nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.
Lợi nhuận ngân hàng không chính xác do lãi dự thu cao?
Công ty chứng khoán Yukata cũng nhận định một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này.
Dựa vào báo cáo tài chính bán niên 2021 tại một số ngân hàng, dễ dàng thấy các khoản phải thu, lãi dự thu đang có xu hướng tăng đáng kể.
Điển hình tại Techcombank, tính đến 30/06/2021, tổng nợ xấu tại Techcombank giảm đến 14% so với đầu năm, chỉ còn hơn 1.118 tỷ đồng.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 38% xuống còn gần 215 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cùng giảm nhẹ 5%, xuống còn gần 398 tỷ đồng và gần 506 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 0,47% hồi đầu năm xuống còn 0,36%.
Tuy nhiên, các khoản phải thu của Techcombank cũng tăng 42% so với đầu năm, lên mức 23.489 tỷ đồng. Đồng thời các khoản lãi, phí phải thu khác tăng 11%, lên 5.736 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác như VIB các khoản phải thu tăng vọt 347% lên hơn 8.176 tỷ đồng; tại 'ông lớn' Vietcombank các khoản phải thu tăng vọt 46% lên 9.714 tỷ đồng; hay tại TPBank các khoản phải thu tăng 29% lên 14.328 tỷ đồng và các khoản lãi, phí phải thu tăng 3% lên 1.733 tỷ đồng;...
Tại những ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận lãi dự thu tăng như lãi, phí phải thu tại Nam A Banktăng 29% lên gần 3.292 tỷ đồng; tại Viet A Bank khoản phải thu tăng 63% lên 4.989 tỷ đồng; các khoản lãi và phí phải thu tại NCB cũng tăng 17% lên 2.116 tỷ đồng...
Lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay. Trong khi đó, ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập và từ đó tính ra lợi nhuận. Đây là phương thức hạch toán bình thường trong kế toán ngân hàng và thực tế, lãi dự thu thường tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm giảm lợi nhuận. Do đó, để có những đánh giá chính xác về chất lượng lợi nhuận của ngân hàng, cần chú ý nhiều hơn đến các ngân hàng có lãi dự thu và thu nhập lãi chênh lệch âm ở mức cao.
Theo Hà Phương - Huy Tùng/ kinhtexaydung.petrotimes.vn
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/lai-du-thu-nhan-to-khien-loi-nhuan-ngan-hang-bien-dong-rui-ro-tiem-an-625548.html