Trước khi Bầu Thụy trở thành Chủ tịch LienVietPostbank, Thaiholdings từng vay hàng trăm tỷ đồng và cầm cố tài sản khá nổi tiếng tại nhà băng này.
Trước khi Bầu Thụy trở thành Chủ tịch LienVietPostbank, Thaiholdings từng vay hàng trăm tỷ đồng và cầm cố tài sản khá nổi tiếng tại nhà băng này.
Bầu Thụy làm Chủ tịch LienVietPostBank
Theo thông tin từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), sau cuộc họp định kỳ Hội đồng quản trị (HĐQT) tháng 12/2022, ngân hàng này đã chính thức có Chủ tịch mới, không ai khác là ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy). Ông Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank kể từ ngày 9/12 thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy (SN 1966) xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Ông Huỳnh Ngọc Huy được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.
Trước khi trở thành Chủ tịch LienVietPostBank, Bầu Thụy giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng này từ tháng 5/2021 và là lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, năng lượng, tài chính, chứng khoán...
Bầu Thụy từng là Chủ tịch HĐQT Xuân Thành Group và nổi danh cùng CLB Bóng đá Sài Gòn Xuân Thành. Đồng thời, cũng từng là Chủ tịch ThaiGroup, Chủ tịch CTCP Thaiholdings (THD) và CTCP Du lịch Kim Liên (sở hữu khách sạn Kim Liên ở vị trí đất vàng Hà Nội).
Đặc biệt, tên tuổi Bầu Thụy gắn liền với Công ty cổ phần Thaiholdings. Dù là người sáng lập ra Thaiholdings nhưng bất ngờ vào tháng 2/2020, vị doanh nhân này thông báo từ chức vì lý do cá nhân. Sau đó, ông Nguyễn Văn Thuyết - em trai Bầu Thụy lên làm Chủ tịch HĐQT Thaiholdings.
Đáng nói, dù từ chức Chủ tịch Thaiholdings nhưng Bầu Thụy vẫn ít nhiều liên quan tới doanh nghiệp này. Bởi theo báo cáo tình hình quản trị năm 2021 của Thaiholdings, Bầu Thụy vẫn là cổ đông lớn của công ty với hơn 87 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ hơn 24%. Do đó, nhiều đồn đoán cho rằng Bầu Thụy mới là ông chủ thực sự?
Từ chức năm 2020 nhưng mãi đến tháng 6/2022, Bầu Thụy mới thực sự dứt khỏi Thaiholdings. Theo đó, hồi tháng 6/2022, thông tin từ Thaiholdings, Bầu Thụy đã bán xong toàn bộ 87,41 triệu cổ phiếu THD theo như đăng ký giao dịch trước đó. Ngày hoàn tất giao dịch là 13/6. Sau giao dịch, Bầu Thụy không còn mối liên hệ nào với Thaiholdings, nơi ông từng là cổ đông sáng lập. Chức vụ duy nhất mà ông đảm nhiệm thời điểm đó là Phó Chủ tịch LienVietPostBank.
Trước khi Bầu Thụy làm Chủ tịch LienVietPostbank, ngân hàng này đã cho Thaiholdings vay ra sao?
Theo báo cáo tài chính, trong 3 quý đầu năm 2020, trong danh sách các "chủ nợ" của mình, Thaiholdings chưa có nhắc tới LienVietPostBank.
Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 mới xuất hiện các khoản vay của Thaiholdings tại LienVietPostBank. Cụ thể, tính đến 31/12/2020, LienVietPostBank - CN Thăng Long cho Thaiholdings vay ngắn hạn gần 277 tỷ đồng. Các khoản vay được thực hiện theo Hợp đồng tín dụng có hạn mức 500 tỷ đồng, thời hạn hiệu lực của hạn mức là 1 năm kể từ ngày 10/11/2020, thời hạn vay không quá 6 tháng theo từng lần giải ngân. Mục đích vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm đông lạnh.
Tài sản đảm bảo là 819.450 cổ phiếu Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên thuộc sở hữu của công ty, hơn 3,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên thuộc sở hữu Thaigroup và các khoản tiền gửi, bất động sản, thuộc sở hữu của cổ đông lớn của công ty hoặc bố, mẹ, anh, chị, em ruột của cổ đông lớn của công ty.
Ngoài ra, tính đến 31/12/2020, LienVietPostBank - CN Ninh Bình cũng cho Thaiholdings vay ngắn hạn hơn 179 tỷ đồng. Các khoản vay được thực hiện theo Hợp đồng tín dụng có hạn mức cho vay 200 tỷ đồng. Mục đích vay là để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại nguyên, vật liệu xây dựng.
Thời hạn cấp hạn mức đến ngày 28/6/2021. Tài sản đảm bảo là cầm cố hơn 3,6 triệu cổ phiếu của CTCP Du lịch Kim Liên do CTCP - Tập đoàn Thaigroup nắm giữ. Số dư nợ gốc tại thời điểm 31/12/2021 là hơn 179 tỷ đồng.
Đến báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021, tại thời điểm 30/6/2021, khoản vay tại CN Thăng Long đã được phía Thaiholdings đưa về con số 0 và khoản vay tại CN Ninh Bình lại tăng, ghi nhận gần 200 tỷ đồng.
Như vậy, khi Bầu Thụy trở thành phó Chủ tịch LienVietPostBank vào tháng 5/2021, Thaiholdings vẫn còn khoản vay tại nhà băng này. Đến báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, tại ngày 31/12/2021, khoản vay tại CN Ninh Bình mới thực sự không được ghi nhận nữa. Cũng từ đây, không còn khoản vay nào của Thaiholdings tại LienVietPostBank.
Việc HĐQT Ngân hàng này bầu ông Thụy vào cương vị Chủ tịch là hoàn toàn có thể dự đoán được. Trên thực tế, với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm tích luỹ từ quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, trong gần 2 năm ông Nguyễn Đức Thụy làm Phó Chủ tịch LienVietPostBank, Ngân hàng đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Tăng trưởng ngoạn mục hơn 50% về lợi nhuận trước thuế năm 2021, LienVietPostBank tiếp tục trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên “về đích” sớm năm 2022 với lợi nhuận trước thuế ghi nhận tại thời điểm cuối tháng 11 đạt hơn 5.500 tỷ đồng.
Hiện tổng tài sản LienVietPostBank ước tính đạt trên 312.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 228.685 tỷ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 đạt 233.425 tỷ đồng. Các hoạt động thu phí dịch vụ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt 899 tỷ đồng nhờ không ngừng phát triển và đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ mới, triển khai nhiều chương trình thúc đẩy hỗ trợ bán hàng, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng, qua đó nâng cao tỷ trọng nguồn thu dịch vụ trong tổng thu nhập.
Hiện nay, LienVietPostBank là một trong những ngân hàng TMCP có mạng lưới lớn nhất cả nước với hơn 1.000 điểm giao dịch trên toàn quốc (561 chi nhánh và phòng giao dịch, 573 phòng giao dịch bưu điện).
Với những dấu ấn trong gần 2 năm vừa qua cùng uy tín, tâm huyết và nhiều năm kinh nghiệm thương trường, ông Nguyễn Đức Thụy được kỳ vọng sẽ dẫn dắt và chỉ đạo LienVietPostBank hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững cả về quy mô lẫn chất lượng trong tương lai.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 thì Chủ tịch HĐQT ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác.
Cụ thể, Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc (TGĐ) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Quy định này nhằm minh bạch hóa hoạt động ngân hàng, giảm triệt để tình trạng sở hữu chéo, công ty 'sân sau', nâng cao quản trị ngân hàng, loại bỏ vấn đề xung đột lợi ích. Với quy định mới, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã phải lựa chọn từ nhiệm khỏi ngân hàng hoặc doanh nghiệp do mình đứng đầu.
Hoàng Long