Trên báo cáo tài chính quý 2/2023 không phải ngân hàng nào cũng công bố số liệu cụ thể về dư nợ cho vay bất động sản thông qua phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh.
Trên báo cáo tài chính quý 2/2023 không phải ngân hàng nào cũng công bố số liệu cụ thể về dư nợ cho vay bất động sản thông qua phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến 31/5/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 925.796 tỷ đồng, cơ cấu tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.
Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp.
Nếu xét riêng tại các ngân hàng lại cho thấy, không phải nhà băng nào cũng công bố số liệu cụ thể về cho vay bất động sản thông qua phân tích dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 chỉ có vỏn vẹn vài ngân hàng công bố cụ thể về dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh.
Đơn cử tại ngân hàng MSB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng tính đến 30/6/2023 hơn 11.944 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, tỷ lệ cho vay trên tổng dư nợ là gần 9%. Ngoài ra, dư nợ cho vay ngành xây dựng tại MSB cũng tăng 11%, ghi nhận hơn 12.486 tỷ đồng. Đáng chú ý, con số trên chỉ là cho vay đối với doanh nghiệp, chưa tính dư nợ cho vay đối với khách hàng cá nhân.
Như tại TPBank, đến cuối quý 2/2023 có tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 177.113 tỷ đồng và hơn 13.731 tỷ trong đó là cho vay kinh doanh bất động sản, tăng tới 35% so với đầu năm, tỷ lệ dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ cho vay khách hàng chiếm 7,75%. Ngoài ra, dư nợ cho vay mảng xây dựng cũng tăng 14% lên mức 11.899 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,72%.
Tại ngân hàng MB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng 32% so với đầu năm, hơn 28.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,44% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, MB cho vay ngành xây dựng hơn 27.500 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,31%.
Ngân hàng quy mô nhỏ như VietBank có dư nợ cho vay khách hàng hơn 68.500 tỷ đồng vào cuối quý 2/2023 và hơn 12.323 tỷ trong đó là cho vay kinh doanh bất động sản và hơn 2.784 tỷ đồng là cho vay ngành xây dựng.
Điều bất ngờ là dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại ngân hàng VIB chỉ 0,72%, thấp nhất trong số các ngân hàng kể trên. Lĩnh vực được VIB ưu tiên đặc biệt là “Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình”, đạt 197.000 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ của VIB.
Đáng chú ý nhóm Big4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank không công khai dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trong báo cáo tài chính quý II/2023.
Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản chỉ là một phần trong tổng dư nợ các ngân hàng cho vay với khách hàng có liên quan lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, số này bao gồm cả xây dựng, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở khác…
Nếu tính cả dư nợ các lĩnh vực này, tỷ trọng cho vay liên quan bất động sản tại hầu hết nhà băng đều lớn hơn rất nhiều con số trên báo cáo tài chính.
Lê Minh - Huy Tùng