Mặc dù lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.081 tỷ đồng, nhưng so với mục tiêu đề ra, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận.
Mặc dù lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.081 tỷ đồng, nhưng so với mục tiêu đề ra, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, trong quý 4 Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 1.234 tỷ đồng, tăng 109% so với cùng kỳ 2021. Thế nhưng, giá vốn hàng bán tăng gấp 9 lần cùng kỳ, lãi gộp của KDH giảm 38% về còn 298 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18 so với quý 4/2022 lên 57,5 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, từ 5,4 tỷ đồng lên hơn 29 tỷ đồng khiến Nhà Khang Điền báo lãi sau thuế chỉ còn gần 111 tỷ đồng, giảm hơn 73% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu tại Khang Điền gần 2.912 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.081 tỷ đồng, giảm 10%. Nếu so với mục tiêu đề ra, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Khang Điền đạt 21.632 tỷ đồng, tăng 50,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp đôi lên 2.752 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 26% lên 5.303 tỷ đồng.
Đặc biệt hàng tồn kho tại KDH tăng đến 61% so với đầu năm, lên hơn 12.440 tỷ đồng.
Cụ thể, Khu dân cư Tân Tạo có giá trị hàng tồn kho lớn nhất, lên đến 5.316 tỷ đồng, tăn 49% so với thời điểm đầu năm. Đây là dự án khu đô thị có quy mô lớn nhất 320ha nằm ở địa phận quận Bình Tân, Tp.HCM. Dự án cung cấp ra thị trường các sản phẩm biệt thự, nhà phố, căn hộ và các công trình tiện ích dịch vụ thương mại.
Khu nhà ở Đoàn Nguyên có giá trị hàng tồn kho đạt 3.258 tỷ đồng, dự án này chính là lý do khiến “núi” tồn kho tại Nhà Khang Điền tăng vọt chưa từng có. Năm 2018, dự án khu nhà ở Đoàn Nguyên được Nhà Khang Điền bán cho CapitaLand với giá 1.380 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, Khang Điền mua lại với giá gần 3.200 tỷ đồng.
Một dự án khác có giá trị hàng tồn kho khủng là Bình Trưng Đông với 1.078 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với đầu năm. Ngoài ra, dự án khu dân cư Bình Hưng 11A cũng đang có giá trị hàng tồn kho hơn 539 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tất cả các dự án trên đều đã bị Nhà Khang Điền mang đi thế chấp tại ngân hàng để vay vốn.
Hơn nữa, Nhà Khang Điền đang trong tình cảnh âm nặng dòng tiền. Hồi cuối năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Khang Điền là âm 1.824 tỷ đồng, tăng so với con số âm 1.600 tỷ đồng hồi cuối năm 2021; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 19,7 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, trong cả năm 2022, Nhà Khang Điền ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 1.824 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm gần 19,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương hơn 3.230 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Con số này cho thấy trong năm 2022, Khang Điền đã tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính.
Tính đến 31/12/2022, vay nợ tại KDH tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm, lên mức 6.771 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 26%, ghi nhận hơn 1.028 tỷ đồng; còn vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng gấp 3,3 lần đầu năm, lên mức gần 5.743 tỷ đồng.
Ngân hàng OCB hiện là chủ nợ lớn nhất tại Nhà Khang Điền. Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này vay ngắn hạn tại OCB hơn 198 tỷ đồng với mục đích đầu tư góp vốn. Hình thức đảm bảo là quyền sử dụng đất tại Phường Bình Trưng Đông, Thủ Đức, Hồ Chí Minh (Dự án Bình Trưng Đông).
Ngoài ra, Nhà Khang Điền vay dài hạn tại ngân hàng OCB chi nhánh quận 4 tổng cộng hơn 3.296 tỷ đồng gồm 5 khoản vay với mục đích đầu tư góp vốn hoặc tài trợ dự án Lê Minh Xuân mở rộng, khu nhà ở 11A xã Bình Hưng và khu trung tâm dân cư Tân Tạo – khu A. Các dự án này cũng chính là tài sản đảm bảo cho ngân hàng.
Bên cạnh vay ngân hàng, Khang Điền mạnh tay phát hành trái phiếu. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến 31/12/2022, tổng giá trị trái phiếu của Khang Điền lên đến hơn 1.100 tỷ đồng.
Trong quý 3/2022, Nhà Khang Điền đã hoàn tất đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 800 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất trái phiếu cố định 12%/năm. Ngày đáo hạn của trái phiếu là 23/8/2025.
Theo phương án sử dụng vốn huy động, Nhà Khang Điền sẽ dùng 800 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu để rót thêm vốn vào Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế (đây là công ty con sở hữu trực tiếp). Vốn điều lệ mới của công ty này sau khi được Khang Điền đầu tư thêm là 1.550 tỷ đống, trong đó Khang Điền chiếm 99,925% vốn, tương đương số tiền hơn 1.549 tỷ đồng.
Theo Khang Điền, với số tiền mà Khang Điền rót thêm vào Công ty Tư vấn Quốc tế, công ty này sẽ góp thêm vốn điều lệ vào Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng (đây là công ty con sở hữu gián tiếp của Nhà Khang Điền) nhằm phục vụ hoạt động của công ty này.
Vốn điều lệ mới của Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng sau khi tăng dự kiến là 1.660 tỷ đồng, trong đó Tư vấn Quốc tế chiếm 99,948% vốn, tương đương số tiền 1.659 tỷ đồng.
Đáng nói, Nhà Khang Điền rót thêm vốn vào Công ty Tư vấn Quốc tế trong bối cảnh công ty này kinh doanh khó khăn.
Theo đó, Công ty Tư vấn Quốc tế thành lập năm 2000. Trước đây, công ty có nhiều năm gặt hái doanh thu trăm tỷ. Tuy nhiên, 4 năm gần đây, doanh thu tại Công ty Tư vấn Quốc tế lao dốc mạnh, từ 324 tỷ đồng (năm 2018) xuống còn 39 tỷ đồng (năm 2019), đến năm 2020 chỉ còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng và 2,6 tỷ đồng vào năm 2021. Về lợi nhuận, năm 2018 lợi nhuận 80 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 lỗ hơn 25 tỷ đồng. Từ năm 2020 và năm 2021 lần lượt lỗ hơn 22 tỷ đồng và 23 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng cũng kinh doanh bết bát nhiều năm liên tiếp.
Tính đến cuối năm 2022, Nhà Khang Điền có 13 công ty con sở hữu trực tiếp và 15 công ty con sở hữu gián tiếp.
Hà Phương