Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển.
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm: Việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép Khánh Hòa thực hiện một số cơ chế đặc thù là đúng và cần thiết.
Về việc các chính sách áp dụng cho Khách Hòa trong các cơ chế, chính sách đặc thù mà dự thảo Nghị quyết áp dụng, Khánh Hòa có nhiều cơ chế, chính sách tương đồng đã được quy định áp dụng cho các tỉnh, thành phố trong nước như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế… Bởi vậy, Quốc hội cũng cần xem xét áp dụng cho Khánh Hòa.
Còn bốn chính sách chưa có cơ chế tương đồng gắn với đặc thù riêng của Khánh Hòa. Đó là cơ chế chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất đai tại khu vực kinh tế Vân Phong; cơ chế chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ các hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong và cơ chế, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý. Qua các tài liệu và Tờ trình của Chính phủ cho thấy, các cơ chế, chính sách này đều có cơ sở thể hiện như sau:
Đối với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vân Phong, Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 09 là phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Thực tiễn cho thấy, Khu kinh tế Vân Phong, trong đó có Bắc Vân Phong đã từng là khu vực dự kiến hình thành khu hành chính kinh tế đặc biệt. Khu kinh tế Vân Phong kể từ khi thành lập theo Quyết định 92 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, trong khi đó khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn đều có cơ chế chính sách đặc thù. Bởi vậy, cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển.
Về nuôi trồng thủy sản trên biển, Khánh Hòa là một trong ba tỉnh, cùng với Kiên Giang, Quảng Ninh có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi biển ở Việt Nam và nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi trồng biển đã và đang được phát triển tại đây, Tuy nhiên đang chủ yếu là nuôi trồng gần bờ chưa ra xa. Còn xu hướng của thế giới đang chuyển từ nuôi trồng quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sang quy mô lớn với công nghệ hiện đại; chuyển từ vùng nước ven biển, ven bờ ra biển, xa bờ và tiến dần ra đại dương. Đặc biệt, biển Khánh Hòa có Quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quốc phòng, an ninh.
"Ban hành chính sách này giúp người dân chuyển đổi phương thức, phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, đồng thời kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và huyện đảo Trường Sa, góp phần thực hiện quan điểm Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị là gắn phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia. Với nghĩa đặc biệt của huyện đảo Trường Sa thì việc cho phép có một quỹ phát triển nghề cá là cần thiết nhằm hỗ trợ dân sự, du lịch, phát triển ngư nghiệp, xây dựng huyện đảo Trường Sa về kinh tế và khu vực phòng thủ trên biển", đại biểu Tô Văn Tám nêu.
Đây cũng là quan điểm của Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
Thảo luận tại hội trường, đại biêu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền, Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội để Khánh Hòa thu hút được nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ hơn để tương xứng với vị trí đặc biệt của Khánh Hòa, đồng thời cần đảm bảo tính khả thi cao hơn cho các chính sách đã đề ra trong Nghị quyết, thể hiện rõ hơn nữa quan điểm phát triển tỉnh Khánh Hòa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Đại biểu cho rằng, cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Cụ thể, cần mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao tính khả thi trong thu hút nguồn lực, cần có quy định trách nhiệm của các nhà đầu tư chiến lược khi không thực hiện được các cam kết, cần có chính sách ưu đãi khác biệt, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư để tạo đột phá cho việc phát triển Khu Kinh tế Vân Phong.
Về việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái biển, đại biểu đề nghị cần có đánh giá kỹ lưỡng về tác động tới môi trường khi nuôi trồng thủy sản ven biển; đề nghị Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cần quy định cụ thể hơn, yêu cầu khắt khe hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Phát biểu về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Hà Quốc Trị, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, nhất là đối với huyện đảo Trường Sa.
Đại biểu Hà Quốc Trị cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại Khu kinh tế Vân Phong, huyện Cam Lâm, trong đó có chủ trương thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất trước khi có thông báo thu hồi đất; đồng thời với trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 09. Việc tách, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư là nội dung được Bộ Chính trị chỉ đạo cho Khánh Hòa thực hiện thí điểm nêu trong Nghị quyết 09. Chỉ thực hiện dự án nhóm B lĩnh vực giao thông và thủy lợi trong thời gian 5 năm thí điểm. Việc thực hiện chính sách này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đưa dự án sớm đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; đồng thời giúp giảm các yếu tố làm tăng chi phí bồi thường nhà nước, không gây mất bình đẳng giữa những người dân nhận bồi thường trước và sau khi triển khai dự án.
Đại biểu Hà Quốc Trị khẳng định: Khu vực Bắc Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong là một trong ba địa điểm trước đây được lựa chọn để thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Vì vậy, các chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong sẽ tạo sức đột phá, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong. Trong quá trình triển khai cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương và phù hợp với năng lực quản lý của địa phương, bảo đảm tính minh bạch.
Theo P.V/Vnmedia
Link nguồn: https://vnmedia.vn/kinh-te/202206/can-co-chinh-sach-dac-thu-cho-khu-kinh-te-van-phong-phat-trien-3d54caa/