Tính đến cuối quý II/2023, khoản phải thu tại một số doanh nghiệp xây dựng chiếm quá nửa tổng tài sản như Xây dựng Hòa Bình chiếm tới 74%; Phục Hưng Holdings chiếm 53%...
Tính đến cuối quý II/2023, khoản phải thu tại một số doanh nghiệp xây dựng chiếm quá nửa tổng tài sản như Xây dựng Hòa Bình chiếm tới 74%; Phục Hưng Holdings chiếm 53%...
Các doanh nghiệp xây dựng thường đối mặt với rủi ro thâm hụt dòng tiền kinh doanh do các khoản phải thu tăng mạnh, thậm chí lấn át cả doanh thu chuyển thành nợ xấu. Tình trạng này xảy ra khi doanh nghiệp cho khách hàng nợ ngày một nhiều (còn gọi là “bán chịu”).
Về mặt kế toán, khi ghi nhận khoản phải thu trong kỳ, doanh nghiệp cũng đồng thời ghi nhận một khoản doanh thu tương ứng nhưng chưa nhận được tiền. Tuy vậy, cho khách hàng nợ không chỉ giúp đảm bảo doanh thu, còn giúp doanh nghiệp duy trì quan hệ với đối tác, tạo việc làm cho người lao động, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường.
Hiện nay, việc kiểm soát các khoản phải thu đối với doanh nghiệp xây dựng là hết sức quan trọng.
Tại CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD), khoản phải thu tính đến cuối quý II/2023 tăng 8% so với đầu năm, ghi nhận 12.478 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn hơn 12.079 tỷ đồng. Trong đó, tập trung ở khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 11.590 tỷ đồng. Coteccons cũng dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 1.117 tỷ đồng.
Khách hàng có giá trị khoản phải thu lớn tại Coteccons là CTCP Đầu tư KCN Vinhomes với hơn 1.013 tỷ đồng; Cty TNHH Phát triển Nam Hội An với hơn 620 tỷ đồng và hơn 9.900 tỷ đồng của khách hàng khác.
Đặc biệt tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) ghi nhận khoản phải thu tính đến cuối quý 2/2023 hơn 10.807 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 2% so với đầu năm, chiếm tới 74% tổng tài sản. Trong đó chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn với 10.463 tỷ đồng.
Trong 10.463 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn thì có tới 5.454 tỷ đồng là phải thu của khách hàng và Hòa Bình đã dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 2.386 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.
Điểm đặc biệt của Xây dựng Hòa Bình là khoản phải thu của Công ty có hạch toán riêng khoản mục phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng với giá trị tại ngày 30/06/2023 là gần 3.800 tỷ đồng, tăng gần 4%.
Đối với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã: CII), khoản phải thu tính đến cuối quý II/2023 chỉ giảm nhẹ 2%, ghi nhận 10.311 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản. Trong đó, có tới 5.497 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn và 5.225 tỷ đồng là phải thu dài hạn.
Khác với các doanh nghiệp xây dựng kể trên, khoản phải thu tại CII lại chủ yếu tập trung ở phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 2.522 tỷ đồng và phải thu về cho vay dài hạn gần 2.918 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phải thu khác ghi nhận hơn 4.400 tỷ đồng. Trong khi đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ 886 tỷ đồng hồi đầu năm còn 567 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, phải thu về cho vay của CII đa phần là khoản hỗ trợ vốn của Công ty cho doanh nghiệp khác. Trong đó, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có giá trị phải thu dài hạn lớn nhất với 1.921 tỷ đồng. Đây là khoản hợp tác đầu tư của CII với đơn vị này theo hợp đồng ký vào tháng 12/2017, đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ngoài ra, còn khoản phải thu về cho vay dài hạn liên quan đến CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy có giá trị hơn 969 tỷ đồng và ngắn hạn với hơn 305 tỷ đồng.
Đặc biệt, khoản phải thu của CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã: PHC) tăng 16% ghi nhận 1.503 tỷ đồng, chiếm tới 53% tổng tài sản. Trong đó phần lớn là phải thu khách hàng ngắn hạn với gần 1.109 tỷ đồng. PHC là doanh nghiệp trong liên danh VIETUR - liên danh đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10, gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư hơn 35.200 tỷ đồng.
Một công ty khác cũng trong liên danh Vietur là Tổng công ty Xây dựng số 1 (mã: CC1) ghi nhận khoản phải thu chiếm tới 56% tổng tài sản, ghi nhận 8.086 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn hơn 6.906 tỷ đồng tập trung ở khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 1.307 tỷ đồng và có tới 4.696 tỷ đồng là khoản phải thu trả trước cho người bán ngắn hạn.
Khách hàng có giá trị khoản phải thu lớn nhất là CTCP Xây dựng và Quản lý dự án số 1 với gần 141 tỷ đồng. Ngoài ra, CTCP Keytech đang có khoản phải thu trả trước cho người bán ngắn hạn hơn 1.318 tỷ đồng.
Nhìn chung, khoản phải thu của của các "ông lớn" xây dựng tính đến cuối quý II/2023 có xu hướng giảm so với đầu năm nhưng không đáng kể.
Lê Thanh - Huy Tùng