Với tổng vốn đầu tư lớn, Nhà máy LEGO tại Khu Công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương là nhà máy thứ 6 của Tập đoàn và lớn thứ 2 tại châu Á. Dự kiến tạo ra hơn 4.000 việc làm.





Với tổng vốn đầu tư lớn, Nhà máy LEGO tại Khu Công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương là nhà máy thứ 6 của Tập đoàn và lớn thứ 2 tại châu Á. Dự kiến tạo ra hơn 4.000 việc làm.
Theo thông tin trên Website chính thức của LEGO, ngày 9/4, Dự án nhà máy của Tập đoàn LEGO tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP3), tỉnh Bình Dương đã chính thức khánh thành.
Nhà máy của LEGO được đặt tại Khu Công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương có diện tích 44ha (tương đương với 62 sân bóng đá). Dự án bao gồm 5 tòa nhà: khu văn phòng, trung tâm năng lượng, khu vực ép nhựa và đóng gói, kho hàng tự động và các công trình khác với tổng diện tích 150.000m2.
Với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, Nhà máy LEGO tại Khu Công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương là nhà máy thứ 6 của Tập đoàn và lớn thứ 2 tại châu Á, mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương và cả nước. Dự án dự kiến tạo ra hơn 4.000 việc làm, đặc biệt là tạo cơ hội để lao động trẻ có thể tiếp cận kỹ năng hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại tỉnh Bình Dương, địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, Nhà máy LEGO sẽ là động lực mới thúc đẩy chuyển đổi kinh tế từ các ngành truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, xanh và sạch, kiến tạo hệ sinh thái kinh tế bền vững với các ngành hỗ trợ như dịch vụ hậu cần và giáo dục kỹ thuật.
Ở tầm quốc gia, Nhà máy LEGO sẽ góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất toàn cầu. Với công suất giai đoạn đầu 30.000 tấn sản phẩm/năm, đây là động lực mới cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời đóng góp vào cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26.
LEGO được thành lập vào năm 1932 bởi Ole Kirk Kristiansen và lấy cảm hứng từ viên gạch LEGO® mang tính biểu tượng, đây là một trong những nhà sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới.
Ngày nay, LEGO Group vẫn là một công ty gia đình có trụ sở chính tại Billund. Sản phẩm của công ty hiện được bán tại hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới.
Năm 2024 đánh dấu một cột mốc ấn tượng với Tập đoàn LEGO khi hãng đạt được kết quả kinh doanh cao kỷ lục, bất chấp bối cảnh ngành đồ chơi toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại.
Cụ thể, doanh thu của LEGO tăng 13%, đạt 74,3 tỷ DKK, (Mã đồng krone Đan Mạch là DKK, 1 DKK= 0,15 USD). Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhu cầu mạnh mẽ đối với danh mục sản phẩm đa dạng, được thiết kế để phục vụ mọi lứa tuổi và sở thích. Doanh số bán hàng tiêu dùng cũng ghi nhận mức tăng 12%, phản ánh sức hút ngày càng lớn của thương hiệu trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, thị phần của LEGO tiếp tục tăng trưởng bền vững. Trong khi nhiều đối thủ cùng ngành đang đối mặt với xu hướng giảm nhẹ, LEGO vẫn giữ vững phong độ và không ngừng mở rộng vị thế dẫn đầu.
Lợi nhuận hoạt động tăng 10%, đạt 18,7 tỷ DKK – kết quả của chiến lược đầu tư lâu dài vào tính bền vững và công nghệ kỹ thuật số. Lợi nhuận ròng cũng tăng 5%, lên mức 13,8 tỷ DKK.
Song song đó, dòng tiền tự do đạt 10,2 tỷ DKK, tăng 24%, tạo nền tảng tài chính vững chắc để tiếp tục mở rộng sản xuất tại các nhà máy hiện có cũng như đầu tư vào các cơ sở mới, bao gồm cả ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, lượng mua đến từ các khối người tiêu dùng được chứng nhận đã tăng gấp đôi, từ 18% năm 2023 lên 47% trong năm 2024 – cho thấy mức độ tin tưởng và ưa chuộng ngày càng lớn của khách hàng đối với LEGO.
Kết thúc 2024, Tập đoàn không chỉ vượt xa mặt bằng chung của ngành đồ chơi, mà còn ghi nhận mức tăng thị phần đáng kể, khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2019-2024 đánh dấu một chặng đường phát triển ấn tượng của Bình Dương trong thu hút FDI, với tổng vốn FDI đạt hơn 14,3 tỷ đô la Mỹ, trong đó, vốn đăng ký mới chiếm 6,8 tỷ đô la Mỹ (tương đương 47,7% tổng vốn). Nguồn vốn FDI đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của Bình Dương.
Từ năm 2021, tỉnh đã chuyển hướng mạnh mẽ sang việc ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và logistics. Sự chuyển dịch này được minh chứng qua việc triển khai các dự án lớn như: Nhà máy Lego trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam của Đan Mạch tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao và các dự án logistics phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, với kết quả sản xuất kinh doanh thuận lợi trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Bình Dương đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư như: Dự án Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper tại Khu công nghiệp Protrade mở rộng thêm 50 triệu USD; dự án Công ty TNHH Deneast Việt Nam tại VSIP IIA tăng thêm 40,2 triệu USD; dự án Công ty TNHH Dongil Rubber Belt Việt Nam tại Khu công nghiệp Bàu Bàng đầu tư thêm 15 triệu USD.
Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch khoảng 16.000 hecta đất công nghiệp mới để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo đường Vành đai 4, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bình Phước - Bình Dương - Tây Ninh - Long An), do đó, sẽ có gần 200km cao tốc qua Bình Dương, kết nối sân bay, cảng biển… từ đó tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho địa phương.
Quy hoạch các hành lang kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, gắn kết với các hành lang giao thông kết nối liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4 của TP. Hồ Chí Minh và các tuyến đường quốc lộ. Các khu công nghiệp sẽ phát triển theo mô hình gắn kết với các vành đai giao thông để thuận tiện cho vận tải và kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế không chỉ cho Bình Dương mà còn cho toàn vùng Đông Nam bộ.
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Bình Dương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa và số hóa quy trình cấp phép đầu tư, đăng ký doanh nghiệp…giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Bình Dương hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu với 896 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 6,6 tỷ USD, chiếm 20% về số dự án và 16% về số vốn. Nhật Bản đứng thứ hai với 357 dự án, tổng vốn đăng ký 5,99 tỷ USD, chiếm 8% về số dự án và 14% về số vốn. Singapore xếp thứ ba với 320 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 5,92 tỷ USD, chiếm 7% về số dự án và 14% về số vốn.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.Hồ Chí Minh) với 4.399 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42,4 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Ngọc Diệp