Viglacera khởi đầu năm 2025 đầy khởi sắc với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn dắt bởi mảng khu công nghiệp và dịch vụ vận hành. Báo cáo tài chính quý I cho thấy nhiều điểm sáng về doanh thu, lợi nhuận và tiềm năng phát triển dài hạn.





Viglacera khởi đầu năm 2025 đầy khởi sắc với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn dắt bởi mảng khu công nghiệp và dịch vụ vận hành. Báo cáo tài chính quý I cho thấy nhiều điểm sáng về doanh thu, lợi nhuận và tiềm năng phát triển dài hạn.
Tổng công ty Viglacera (mã chứng khoán VGC) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2025 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu nhờ sự bứt phá của mảng cho thuê đất khu công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ vận hành.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.854 tỷ đồng, tăng 8,15% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, doanh thu từ cho thuê đất khu công nghiệp tiếp tục là động lực chính, tăng 12,65% lên 1.221,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ vận hành (quản lý khu công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại và khách sạn nghỉ dưỡng) cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 30%, lên hơn 155 tỷ đồng. Doanh thu từ bán hàng hóa bất động sản tăng gấp 2,7 lần, đạt hơn 37,2 tỷ đồng.
Nhờ cơ cấu doanh thu cải thiện, lợi nhuận gộp đạt 842 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, kéo theo biên lợi nhuận gộp tăng từ 28% lên 29,5%. Sau khi trừ chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp (lần lượt ở mức 88 tỷ, 173 tỷ và 183 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 412,8 tỷ đồng, tăng 20%. Lợi nhuận sau thuế đạt 298,5 tỷ đồng, tăng vọt 25,7% – tương đương bình quân lãi hơn 3 tỷ đồng mỗi ngày.
Trước đó, Hội đồng quản trị công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu đạt 14.437 tỷ đồng doanh thu và 1.743 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 22% cho các cổ đông.
Một điểm sáng khác trong báo cáo tài chính là doanh thu chưa thực hiện đạt 2.560 tỷ đồng, trong đó có đến 2.447 tỷ đồng là khoản nhận trước từ cho thuê bất động sản. Các khoản này sẽ được ghi nhận vào doanh thu thực tế trong vòng 12 tháng tới, phản ánh nguồn thu ổn định ngắn hạn.
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Viglacera đạt 23.962 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn và tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn, lần lượt đạt 5.886 tỷ đồng (-3,4%) và 5.850 tỷ đồng (-2,8%).
Danh mục tài sản dở dang của Viglacera hiện bao gồm nhiều dự án quy mô lớn đang được triển khai, nổi bật như: Khu công nghiệp Yên Mỹ (Hưng Yên) với 664 tỷ đồng; Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (Bắc Ninh) 1.523 tỷ đồng; Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 (Phú Thọ) 806 tỷ đồng; Khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình) 598 tỷ đồng; Khu công nghiệp Phong Điền - Viglacera (Huế) 490 tỷ đồng; và Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (Vân Đồn, Quảng Ninh) 176 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Viglacera giảm 7,8% còn 13.713 tỷ đồng. Dư nợ vay và thuê tài chính giữ ổn định ở mức 4.746 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 2.538 tỷ đồng và nợ dài hạn là 2.208 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm cuối quý I đạt gần 2.318 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm.
Dù chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, nhưng HĐQT Viglacera đã lên kế hoạch tiếp tục thành lập, góp vốn, tăng vốn tại các công ty con; đồng thời đàm phán để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG) lên mức chi phối.
Ngày 18/6/2020, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 814/QĐ-BXD về giá trị thực tế vốn Nhà nước tại thời điểm bàn giao Tổng Công ty Viglacera thành Tổng Công ty Viglacera - CTCP. Ngày 24/6/2020, Bộ Xây dựng và Tổng Công ty đã ký biên bản bàn giao doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Trong năm nay, Viglacera sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo.
Tính đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của công ty ở mức 4.483,5 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước do Bộ Xây dựng đại diện nắm giữ 38,58%, còn CTCP Hạ tầng Gelex nắm 50,21%.
Quỳnh Nhi