Tại thời điểm ngày 30/6/2024, Tập đoàn Đèo Cả có tổng nợ phải trả hơn 33.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 76% nguồn vốn doanh nghiệp.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, Tập đoàn Đèo Cả có tổng nợ phải trả hơn 33.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 76% nguồn vốn doanh nghiệp.
Theo công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên 2024 của CTCP Tập đoàn Đèo Cả gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và người sở hữu trái phiếu.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2024 đã được soát xét, trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận doanh thu đạt 4.045 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế gần 390 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Đèo Cả tính đến 30/6/2024 đạt hơn 10.806 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với đầu năm. Kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm đã giúp tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 7,89%, so với cùng kỳ năm 2023 đạt 6,61%.
Tính đến 30/6/2024, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 3,1 lần, tương ứng dư nợ phải trả tại Đèo Cả ghi nhận khoảng 33.400 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng 200 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn vốn tại Đèo Cả tính đến thời điểm 30/6/2024 ghi nhận hơn 44.300 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm khoảng 76% nguồn vốn doanh nghiệp.
Về nguyên tắc, hệ số nợ phải trả càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Tỷ lệ này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ.
Tập đoàn Đèo Cả có vốn điều lệ 4.206 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng nắm giữ lớn nhất với 34,67%, tiếp đến là CTCP Tập đoàn Hải Thạch 17,26%, ông Võ Thụy Linh - Phó Chủ tịch HĐQT 6,12%, CTCP Đèo Cả Capital 5,17%, ông Khương Văn Cương - Tổng giám đốc 5,17%.
Đèo Cả hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông với các dự án lớn như tuyến hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả; cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận… Tại ngày 30/6/2024, doanh nghiệp có 3.864 nhân viên, 12 công ty con và 4 công ty liên doanh, liên kết. Trong đó, CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả hiện niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HHV.
Ở một diễn biến khác, vừa qua, Liên danh Tập đoàn Đèo Cả tuột tay gói thầu 6.300 tỷ sân bay Long Thành.
Cụ thể, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mời thầu gói thầu 4.7 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác” của dự án thành phần 3 - thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Đã có 2 liên danh tham gia, trong đó liên danh 1 gồm 8 nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Xây dựng Đèo Cả, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, Công ty CP Lizen, Tổng công ty Thăng Long-CTCP, Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long-CTCP, Công ty TNHH Hoà Hiệp và Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (viết tắt là Liên danh Đèo Cả).
Liên danh 2 gồm 6 nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty CP Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Cienco4 và Công ty CP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy (viết tắt là Liên danh ACC).
Ngày 12/8/2024, ACV ra quyết định số 3338/QĐ-TCTCHK VN, về việc phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật Gói thầu số 4.7 với nội dung đánh trượt Liên danh Đèo Cả vì lỗi “Thành viên Liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long - CTCP, số hiệu trên mạng đầu thầu quốc gia là vn2800177056 đã bị tạm ngưng trên hệ thống từ ngày 30/6/2024 đến thời điểm có báo cáo đánh giá đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT).
Huy Tùng - Hoàng Trang