Việc sở hữu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt trong bối cảnh lãi suất cao giúp các doanh nghiệp được hỗ trợ về mặt tài chính. Thậm chí, có doanh nghiệp thoát lỗ nhờ khoản tiền gửi mang về hàng trăm tỷ đồng tiền lãi.
Việc sở hữu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt trong bối cảnh lãi suất cao giúp các doanh nghiệp được hỗ trợ về mặt tài chính. Thậm chí, có doanh nghiệp thoát lỗ nhờ khoản tiền gửi mang về hàng trăm tỷ đồng tiền lãi.
Theo thống kê báo cáo tài chính quý II/2023 của 21 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh trực tiếp đến tiền như ngân hàng, bảo hiểm) có vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán, có đến 12 doanh nghiệp ghi nhận tăng khoản tổng tiền mặt và tiền gửi. Được biết, tính đến hết quý II, 21 doanh nghiệp này sở hữu 318.269 tỷ đồng khoản tiền mặt và tiền gửi.
Đứng thứ nhất, Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas – mã: GAS) sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất lên tới 40.767 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Trong đó, gần 12.500 tỷ đồng là tiền mặt và tương đương tiền, còn lại là tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng.
Ở vị trí thứ hai là Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) khi hữu lượng tiền mặt và tiền gửi 36.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Trong đó, số dư tiền gửi kỳ hạn ngắn hạn đã giảm gần 5.000 tỷ so với cuối quý I, xuống dưới 23.000 tỷ đồng. Ngược lại, tiền và tương đương tiền đã tăng khoảng 5.500 tỷ sau quý 2 lên trên 13.000 tỷ đồng.
Xếp thứ 3 là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) với 29.229 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm và chiếm 39% tổng tài sản. Số tiền gửi này đã mang về 762,5 tỷ đồng tiền lãi cho BSR trong nửa đầu năm, tương ứng mỗi ngày nhận gần 3 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 4 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) vươn lên vị trí thứ 5 sau khi tăng nắm giữ thêm 8.500 tỷ đồng tiền mặt so với đầu năm, nâng tổng số lên 27.160 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, tập đoàn thu về 524 tỷ đồng tiền lãi cho vay, trong khi chi phí lãi vay là 463 tỷ đồng...
Tiếp theo là Tập đoàn FPT (mã FPT) cũng tích cực tích trữ tiền mặt trong bối cảnh lãi suất cao. Doanh nghiệp đầu ngành công nghệ có thêm 7.200 tỷ đồng tiền mặt sau 6 tháng, nâng tổng số lên 26.700 tỷ đồng. Nhờ đó, FPT thu về 753 tỷ đồng lãi tiền gửi trong 2 quý đầu năm, gấp đôi so với chi phí lãi vay.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt trên 20.000 tỷ đồng như: Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) có 22.397 tỷ đồng, chiếm 67% tổng tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty thu về hơn 684 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Tương tự, Tập đoàn Vingroup (mã VIC) có hơn 23.000 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) có 20.664 tỷ đồng. CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) đưa số dư tiền mặt lên đến hơn 24.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Con số này đã tăng 4.600 tỷ so với cuối quý I và cao hơn 10.200 tỷ so với cuối năm 2022.
Đáng chú ý, nhờ khoản tiền gửi này mang về cho Thế giới Di động đến hơn 809 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền này giúp Thế giới Di động thoát thua lỗ trong quý II năm nay.
Lưu Tô