Kienlongbank tăng hơn 40% thu nhập cho nhân viên trong quý I; Ông Lý Hoài Văn thôi giữ chức Phó Tổng giám đốc OCB; Tiền gửi iDepo của VIB - Giải pháp tối ưu lợi nhuận dòng vốn… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Kienlongbank tăng hơn 40% thu nhập cho nhân viên trong quý I; Ông Lý Hoài Văn thôi giữ chức Phó Tổng giám đốc OCB; Tiền gửi iDepo của VIB - Giải pháp tối ưu lợi nhuận dòng vốn… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Bản Việt triển khai tính năng rút tiền từ ATM bằng căn cước công dân
Ngày 18/5, Ngân hàng TMCP Bản Việt cho biết vừa chính thức triển khai hệ thống ngân hàng tự động Digimi+, nổi bật với tính năng nộp/rút tiền mặt bằng Căn cước công dân (CCCD). Điểm đầu tiên tại TP HCM và tiếp tục cho các tỉnh thành phố khác trong tháng 5.
Theo đó, khách hàng của Bản Việt hoàn toàn có thể nộp/rút tiền mặt bằng CCCD hoặc thẻ (ATM/tín dụng) tại hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ của Bản Việt. Số tiền nộp tối đa lên đến 100 triệu đồng/giao dịch và không hạn chế số lần nộp trong ngày, tài khoản ghi có ngay lập tức khi khách hàng kết thúc giao dịch tại máy.
Đối với rút tiền mặt, hạn mức là 10 triệu đồng/giao dịch và tối đa 100 triệu đồng/ngày. Điểm đặc biệt, khi khách hàng dùng CCCD có thể nộp tiền cho mình hoặc cho tài khoản khác cùng hệ thống Ngân hàng Bản Việt.
Theo đại diện Bản Việt, hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ sử dụng máy CRM (Cash Recycling Machine), là máy giao dịch tự động thế hệ mới với tính năng ưu việt hơn so với máy ATM thông thường, triển khai được nhiều tính năng bên cạnh nộp/rút tiền mặt… Digimi+ sẽ bắt đầu triển khai điểm đầu tiên tại TP HCM và mở rộng tại các tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ…
Trước đó, đã có hai ngân hàng khác gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) triển khai rút tiền tại ATM bằng thẻ CCCD gắn chip.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết đã phối hợp cùng Trung tâm Dữ liệu dân cư Quốc gia - Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) chính thức cho ra mắt dịch vụ rút tiền bằng CCCD.
Kienlongbank tăng hơn 40% thu nhập cho nhân viên trong quý I
Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Kienlongbank cho thấy, thu nhập bình quân nhân viên trong 3 tháng đầu năm ở mức 20 triệu đồng/tháng, tăng gần 43% so với cùng kỳ 2021.
Riêng tại ngân hàng mẹ, thu nhập bình quân cũng tương đương mức trung bình cả hệ thống là 20 triệu đồng, tăng gần 43%.
Như vậy, bình quân mỗi nhân viên Kienlongbank có thu nhập 60 triệu đồng trong quý I/2022
Trong 3 tháng đầu năm, lượng nhân sự làm việc trên toàn hệ thống Kienlongbank dao động quanh mức 3.402 người, tăng 200 người so với cùng kỳ 2021 (tương đương hơn 6%). Riêng lượng nhân sự làm việc tại ngân hàng mẹ là 3.227 người, tăng 212 nhân sự.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế Kienlongbank đạt 127 tỷ trong quý I. Theo giải trình của KienlongBank, lợi nhuận quý 1 năm nay thấp hơn là do trong quý I/2021, ngân hàng phát sinh khoản thu nhập từ việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank theo phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt. Mất đi các khoản thu nhập đột biến nói trên khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm.
Tại thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 80.844 tỷ đồng; Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 36,2 nghìn tỷ; Tiền gửi khách hàng 52.419 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng nhẹ 25 tỷ lên 751 tỷ vào cuối tháng 3, chiếm 2,08% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Trước đó, Kienlongbank ghi nhận kết quả những con số ấn tượng trong năm 2021 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.010 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần năm trước. Ngân hàng đã hoàn thành 101% kế hoạch đề ra và đánh dấu mốc lần đầu tiên lợi nhuận vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của KienlongBank tăng 46% so với đầu năm lên mức hơn 83.822 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10% lên hơn 38.387 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 22,3% so với đầu năm khi đạt 51.397 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có mức tăng ấn tượng hơn 5 lần so với mốc báo cáo năm trước.
Ông Lý Hoài Văn thôi giữ chức Phó Tổng giám đốc OCB
Mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông ( OCB) đã miễn nhiệm chức Phó Tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh tiền tệ và đầu tư đối với ông Lý Hoài Văn. Theo đó, ông Lý Hoài Văn sẽ thôi giữ chức vụ trên từ ngày 16/5. Trước đó, ông Văn đã có đơn từ nhiệm chức vụ trên vào đầu tháng.
Ông Lý Hoài Văn (sinh năm 1979) được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và Đầu tư OCB từ ngày 2/11/2017, sau khi từ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc tại Sacombank.
Trước khi làm việc tại OCB, ông gắn bó 9 năm với Sacombank, trong đó 7 năm dưới vai trò Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng Kinh doanh tiền tệ và định chế tài chính, kiêm phụ trách mảng Doanh nghiệp (SME, LC & FDI), kiêm phụ trách các công ty con; và 2 năm giữ cương vị là Giám đốc khối Tiền tệ. Trong giai đoạn 2005-2008, ông giữ chức Giám đốc kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng CitiBank Việt Nam
Ông Hoài Văn tốt nghiệp Thạc sỹ Kinh tế Ngân hàng và Tài chính (MEBF – Master in Economics of Banking and Finance) trường CFVG - Pháp đồng thời là người đã có gần 20 năm kinh niệm trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và đầu tư.
Ngoài ra, OCB cũng thông báo về việc ông Ito Takeshi sẽ không còn là thành viên HĐQT kể từ ngày 1/7 tới đây. Lý do, OCB nhận được văn bản từ cổ đông là ngân hàng Aozora Bank (AOZ) thông báo về việc thay đổi người đại diện phần vốn theo ủy quyền của AOZ.
Như vậy, sau thông báo trên, thành viên HĐQT của OCB nhiệm kỳ 2020-2025 trong tương lai sẽ còn 7 thành viên, gồm ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, 4 thành viên HĐQT gồm ông Ngô Hà Bắc, ông Phan Trung, ông Yoshizawa Toshiki, bà Trịnh Thị Mai Anh, và 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Bùi Minh Đức, ông Phạm Trí Nguyễn.
Tiền gửi iDepo của VIB - Giải pháp tối ưu lợi nhuận dòng vốn
Tin ngân hàng ngày 19/5: Bản Việt triển khai tính năng rút tiền từ ATM bằng căn cước |
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) vừa chính thức ra mắt sản phẩm Tiền gửi iDepo với ưu điểm dễ dàng chuyển nhượng bất cứ khi nào có nhu cầu và lợi tức vượt trội so với kênh khác cho nguồn vốn nhàn rỗi lớn.
Tiền gửi iDepo có các mệnh giá 500 triệu đồng, 1 tỉ đồng, 5 tỉ đồng; kỳ hạn 24 tháng; định kỳ lĩnh lãi 6 tháng/lần. Sản phẩm có mức lãi suất hấp dẫn từ 6,1% - 6,5%. Đặc biệt, Khách hàng có tiền gửi iDepo cũng dễ dàng chuyển nhượng bất cứ khi có nhu cầu với mức phí chuyển nhượng linh hoạt. VIB hiện ưu đãi 50% phí chuyển nhượng trong 03 tháng đầu triển khai sản phẩm.
Với đặc tính linh hoạt chuyển nhượng, khách hàng sở hữu tiền gửi iDepo của VIB có quyền cho, tặng, thừa kế và tự do chuyển nhượng trên thị trường thứ cấp không hạn chế. Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng được quyền chiết khấu, cầm cố thế chấp tại VIB hoặc các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật. Quy trình chuyển nhượng rất đơn giản, khách hàng chỉ cần đến chi nhánh VIB gần nhất để làm thủ tục chuyển nhượng ngay lập tức. Đặc biệt, khách hàng sẽ không mất phí khi chuyển nhượng đúng ngày đến hạn lĩnh lãi.
Trong tháng 6 và tháng 7/2022, ngân hàng sẽ triển khai tính năng phát hành hợp đồng tiền gửi trên ứng dụng ngân hàng di động MyVIB. Khách hàng khi có nhu cầu có thể đăng nhập vào app và tự phát hành hợp đồng tiền gửi, đồng thời có thể đăng thông tin và thực hiện giao dịch chuyển nhượng ngay trên MyVIB. Việc số hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống đang đem đến cho khách hàng những lợi ích tối ưu với sự thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và bảo mật nhất.
Với việc ra mắt tiền gửi iDepo, VIB kỳ vọng sản phẩm sẽ trở thành đích đến đầu tư sinh lời an toàn và hiệu quả khi trung hòa được giữa rủi ro và lãi suất, giữa tốc độ và lợi nhuận nhằm sẵn sàng hiện thực hóa mục tiêu đầu tư của khách hàng.
Huy Tùng (t/h)/Theo Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-195-ban-viet-trien-khai-tinh-nang-rut-tien-tu-atm-bang-can-cuoc-651217.html