Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát quỹ đất NOXH tại các dự án KĐT, Hà Nội yêu cầu kiểm soát nguy cơ "bong bóng" bất động sản; Sốt đất Đắk Lắk, tỉnh yêu cầu công an vào cuộc… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát quỹ đất NOXH tại các dự án KĐT, Hà Nội yêu cầu kiểm soát nguy cơ "bong bóng" bất động sản; Sốt đất Đắk Lắk, tỉnh yêu cầu công an vào cuộc… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Hà Nội yêu cầu kiểm soát nguy cơ "bong bóng" bất động sản
UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản trên địa bàn.
Trong đó, Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thu thập các thông tin liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản; định kỳ công bố thông tin, dữ liệu cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về đầu tư kinh doanh, môi giới bất động sản; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, tạo hiệu ứng đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất chưa đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản...
Sốt đất Đắk Lắk, tỉnh yêu cầu công an vào cuộc
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra các dự án kinh doanh bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, năng lực thực hiện dự án yếu kém, không còn khả năng triển khai dự án.
Từ đó, tham mưu, xử lý việc điều chỉnh tiến độ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết hoặc chấm dứt hoạt động dự án. Thanh tra, kiểm tra hoạt kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản (môi giới, tư vấn, hoạt động sàn giao dịch bất động sản...) trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Công an tỉnh và UBND các huyện thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện trường hợp có biểu hiện bất thường, vi phạm quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất xử lý theo thẩm quyền.
Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, nhất là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm ảnh hưởng đến thị trường; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có).
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với tổ chức môi giới, mua bán bất động sản, cá nhân sử dụng file số dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của các huyện, thị xã, thành phố để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, tạo bong bóng bất động sản nhằm trục lợi bất hợp pháp, gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương và đời sống của người dân.
Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát quỹ đất NOXH tại các dự án KĐT
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội , nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về nhà ở. |
Đồng thời, rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về nhà ở; khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
HoREA đề xuất nâng cọc, bỏ đấu giá “bằng mồm”
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS), nhà ở, khu đô thị để ngăn ngừa lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, chọn được nhà đầu tư có năng lực.
Chủ tịch HoREA nhận định, qua các cuộc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) ngày 10/12/2021 đã cho thấy rõ các “bất cập” và sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và các pháp luật có liên quan, nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, không làm thất thu ngân sách Nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, không để bị lợi dụng đấu giá để trục lợi bất chính.
Theo đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị, không nên áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá (quy định tại Điều 41 Luật Đấu giá tài sản 2016) đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị, như đã thực hiện trong thời gian qua vì không phù hợp.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị sửa đổi quy định nộp “tiền đặt trước” để được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.
Theo đơn vị này, quy định nộp tiền đặt trước hiện nay có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trúng đấu giá nên trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau cuộc đấu giá đã "xù" không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất tiền đặt trước, hoặc có trường hợp nhà đầu tư dây dưa kéo dài việc thanh toán.
Ngoài ra, HoREA cũng cho rằng, quy định về “tiền đặt trước” tại Điều 39 Luật Đấu giá 2016 chưa thống nhất với các quy định pháp luật về chứng khoán, của Bộ luật Dân sự 2015.
Vì vậy, HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thay thế quy định về “tiền đặt trước” của Luật Đấu giá tài sản 2016 bằng quy định về “bảo đảm đấu giá” hoặc “tiền đặt cọc đấu giá” để đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật và bổ sung các quy định.
Hà Nội thanh tra thuế chuyển nhượng bất động sản
Theo nhận định của Cục Thuế thành phố Hà Nội, năm 2022, có thể một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để trốn đóng thuế nên đơn vị đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra trên cơ sở hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.
Cụ thể, Cục sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề đối với các lĩnh vực rủi ro như: chuyển nhượng vốn, giao dịch liên kết, chuyển giá, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, thương mại điện tử, hoàn thuế.
Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, năm 2021 toàn Cục đã hoàn thành 16.217 cuộc thanh, kiểm tra, đạt 130% kế hoạch của Tổng cục Thuế giao với tổng số truy thu, truy hoàn và phạt là 2.470 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2020; giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là 358 tỷ đồng; giảm lỗ 7.190 tỷ đồng.
Theo Hải Lan/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/tin-bat-dong-san-noi-bat-trong-tuan-ha-noi-yeu-cau-kiem-soat-nguy-co-bong-bong-bds-dak-lak-tinh-yeu-cau-cong-an-vao-cuoc-vi-sot-dat-d29461.html