TP.HCM có thể thu gần 27.000 tỉ đồng đấu giá đất dọc Vành đai 3; Lạng Sơn công bố 23 dự án trọng điểm tổng vốn gần 35.000 tỉ đồng …là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
TP.HCM có thể thu gần 27.000 tỉ đồng đấu giá đất dọc Vành đai 3; Lạng Sơn công bố 23 dự án trọng điểm tổng vốn gần 35.000 tỉ đồng …là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Hòa Phát đề xuất đầu tư khu đô thị "đáng sống'' ở Thừa Thiên Huế
Mới đây, Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tìm hiểu nghiên cứu cơ hội đầu tư trên địa bàn.
Được biết, tại buổi làm việc, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát sau khi giới thiệu tổng quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực hoạt của Tập đoàn đã bày tỏ mong muốn các sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ tìm kiếm vị trí phù hợp để Tập đoàn đầu tư khu đô thị hiện đại, có quy mô, trở thành một khu đô thị "đáng sống" tại Huế.
Trước đề xuất từ phía nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá cao ý tưởng và quyết tâm mong muốn đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết Thừa Thiên Huế luôn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp từ đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đến đồng hành cùng doanh nghiệp để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2022 và các năm tiếp theo là thực hiện Nghị quyết 54, phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp để tập trung thu hút đầu tư, trong đó tập trung thu hút các dự án phát triển đô thị như mong muốn đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với Tập đoàn Hoà Phát để hỗ trợ tìm kiếm vị trí đầu tư phù hợp cũng như hướng dẫn các thủ tục liên quan; tạo các điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ cũng như sớm triển khai dự án trên địa bàn.
TP.HCM có thể thu gần 27.000 tỉ đồng đấu giá đất dọc Vành đai 3
Theo kết quả rà soát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường Vành đai 3 Tp.HCM có thể đấu giá quyền sử dụng đất gắn với việc tính toán nguồn thu ngân sách từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường trên các địa phương. Nếu đấu giá tốt, TP Hồ Chí Minh có thể thu gần 27.000 tỉ đồng
Thứ nhất, trên địa bàn Tp.HCM có khoảng 2.413,4 ha, trong đó khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. Dự kiến, đối với phạm vi đất nông nghiệp này có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỉ đồng.
Đối với các quỹ đất còn lại, tiếp tục rà soát, xác định cụ thể, chính xác diện tích, vị trí, đề xuất điều chỉnh quy hoạch và các nội dung khác có liên quan, đảm bảo tính khả thi để tạo nguồn vốn.
Thứ hai, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 214 ha. Giá trị có thể thu về cho ngân sách sau khi đấu giá các khu đất khoảng 4.332 tỉ đồng.
Thứ ba, trên địa bàn các tỉnh Bình Dương và Long An đang tiếp tục rà soát, cập nhật các quỹ đất có thể khai thác.
Trong bước tiếp theo, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát. Các quỹ đất nêu trên sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp và tổ chức đấu giá để tạo nguồn thu ngân sách.
Theo UBND Tp.HCM, việc đấu giá đất tạo nguồn thu có thể được xem là một giải pháp để thực hiện dự án Vành đai 3. Nếu đấu giá tốt, chỉ với gần 27.000 tỉ đồng tiền thu được theo dự kiến từ việc đấu giá đất nông nghiệp, Tp.HCM có thể không tốn tiền làm đường Vành đai 3.
Vì theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, về cơ cầu nguồn vốn, Tp.HCM phải bỏ ngân sách địa phương tham gia hơn 24.000 tỉ đồng, còn lại Trung ương hỗ trợ hơn 24.000 tỉ đồng.
Trước đó, UBND Tp.HCM đã trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 Tp.HCM. Giai đoạn một tuyến đường sẽ đầu tư trên chiều dài hơn 76 km, làm trước bốn làn cao tốc cùng đường song hành hai bên.
Lạng Sơn công bố 23 dự án trọng điểm tổng vốn đầu tư gần 35.000 tỉ đồng
Vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành danh mục các dự án trọng điểm năm 2022. Trong đó có 5 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, 18 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước (gồm 5 dự án PPP). Các dự án với tổng mức đầu tư 34.591 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành muộn nhất vào năm 2027.
Cụ thể, 5 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước là cải tạo nâng cấp QL4B (đoạn Km3 700 đến Km18) trị giá 988,3 tỉ đồng; hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (ODA) với tổng mức đầu tư 1.377,6 tỉ đồng; nút giao đường cao tốc vào Khu công nghiệp Hữu Lũng trị giá 193,1 tỉ đồng; Khu tái định cư, dân cư xã Hồ Sơn và xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng với tổng mức đầu tư 213,4 tỉ đồng; nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B trị giá 3.400 tỉ đồng.
Ngoài ra, danh sách nêu rõ 18 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước. Trong đó có 16 dự án khu đô thị, du lịch, khu công nghiệp quy mô lớn. Đơn cử là Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn 3.299 tỉ đồng; quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn 3.499 tỉ đồng; Khu đô thị mới Mai Pha, TP Lạng Sơn 3.380 tỉ đồng; Khu đô thị mới Hữu Lũng 1.989 tỉ đồng; Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ 1.553 tỉ đồng; Khách sạn sân golf Hoàng Đồng - Lạng Sơn 1.057 tỉ đồng; Khu công nghiệp Hữu Lũng 599,76 ha; xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2 và khu tái định cư Hợp Thành 440 tỉ đồng;...
Còn lại hai công trình giao thông trọng điểm năm nay gồm: Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km1 800 - Km44 749 (Hữu Nghị - Chi Lăng), dự án thành phần 2 trị giá 8.743,2 tỉ đồng; cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và khu tái định cư xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình 359 tỉ đồng.
Huy Tùng (T/H)/Theo Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-ngay-43-hoa-phat-de-xuat-dau-tu-khu-do-thi-dang-song-o-thua-thien-hue-643743.html