Long An phê duyệt liên danh đầu tư khu đô thị hơn 7.000 tỷ tại Tp.Tân An; Yên Bái sắp có 5 khu công nghiệp mới; Quảng Ninh được phép xây dựng 22 sân Golf…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Long An phê duyệt liên danh đầu tư khu đô thị hơn 7.000 tỷ tại Tp.Tân An; Yên Bái sắp có 5 khu công nghiệp mới; Quảng Ninh được phép xây dựng 22 sân Golf…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh vừa ký Kết luận thanh tra về tình hình thực hiện các dự án khu nhà ở thương mại liên quan đến khiếu nại phức tạp đông người trên địa bàn tỉnh tại dự án Khu nhà ở Thương mại - Dịch vụ Contentment Plaza (tên thương mại là Roxana Plaza) tại phường Vĩnh Phú, TP Thuận An.
Dự án trên do Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Đầu tư bất động sản Tường Phong (Công ty Tường Phong) làm chủ đầu tư.
Theo đó, mặc dù dự án Roxana Plaza chưa được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, nhưng từ năm 2017, Công ty Cổ phần Naviland đã bán "chui" 1.082 căn hộ tại dự án cho hàng trăm khách hàng bằng hình thức ký Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 275 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đối với Công ty Cổ phần Naviland về hành vi trên. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa nộp phạt.
Ngày 27/12/2021, Công ty Tường Phong gửi văn bản xin xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai đối với dự án Roxana Plaza. Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã từ chối cấp giấy xác nhận vì lý do người dân đang khiếu nại về việc đã ký hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty Cổ phần Naviland (do trong Công ty Cổ phần Naviland có 51% cổ phần của Công ty Tường Phong).
Hiện nay, Công ty Naviland, Công ty Tường Phong và hàng trăm người dân là khách hàng mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza đang khiếu kiện tại toà án.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 275 triệu đồng đối với Công ty Tường Phong vì đã chậm tiến độ của dự án Roxana Plaza.
Công ty Tường Phong là đơn vị được cơ quan nhà nước giao làm nhà đầu tư, do đó Công ty Tường Phong phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện dự án và chịu trách nhiệm hoàn thành dự án theo quy hoạch, tiến độ đã được phê duyệt.
Ngày 24/8, UBND tỉnh Long An đã có Quyết định số 7769/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án khu đô thị tại phường 4 và phường 6, thành phố Tân An với quy mô diện tích 137,2ha, quy mô dân số khoảng 17.225 người.
Dự án được xây dựng thành khu đô thị sinh thái, kiểu mẫu mang tính hiện đại, tương thích với cảnh quan, không gian chung; kết hợp giữa việc tận dụng hệ thống cảnh quan, sông nước hiện hữu; đầu tư chỉnh trang nâng cấp hạ tầng bảo đảm đồng bộ chung.
Đơn vị đáp ứng yêu cầu là liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Tổ hợp thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh và Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang. Được biết, đây là liên danh các thành viên thuộc Eurowindow Holding.
Tổng chi phí dự kiến thực hiện dự án khu đô thị là hơn 7.118 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 1.025 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 5.590 tỷ đồng; chi phí lãi vay hơn 503 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp ra thị trường 2.482 lô nhà ở thấp tầng. Nhà đầu tư phải dành quỹ đất khoảng 86.178,58m2 để phát triển nhà ở xã hội và bàn giao cho nhà nước để xúc tiến, mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Đây là cơ sở, tiền đề để thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển thành phố Tân An đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Yên Bái dự kiến đến năm 2030 quy hoạch mới 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.364,0 ha.
Các KCN đều định hướng là KCN đa ngành nghề, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm, chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể:
Khu công nghiệp Trấn Yên: Diện tích quy hoạch 339 ha, thuộc xã Bảo Hưng (255 ha) và xã Minh Quân (84 ha), huyện Trấn Yên. Vị trí nằm sát đường Âu Cơ và gần nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Khu công nghiệp Y Can: Diện tích quy hoạch 350 ha, thuộc xã Y Can (331,5 ha) và xã Lương Thịnh (18,5 ha), huyện Trấn Yên. Vị trí: nằm trên địa bàn xã Y Can và Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường tỉnh 166 chạy qua.
Khu công nghiệp Đông An: Diện tích quy hoạch 350 ha, thuộc xã Đông An, huyện Văn Yên. Ví trí: nằm cách nút giao IC14 khoảng 11km, cách quy hoạch nút giao IC 15 khoảng 3,5km và nằm sát đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Khu công nghiệp Thịnh Hưng: Diện tích quy hoạch 184 ha, thuộc địa bàn xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình. Vị trí: nằm cách nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khoảng 13km.
Khu công nghiệp Lục Yên: Diện tích quy hoạch 300 ha, thuộc xã Tân Lĩnh và xã Yên Thắng huyện Lục Yên. Vị trí nằm gần đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Hà Giang. Dự kiến chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đến năm 2030 là 221 ha; giai đoạn 2 mở rộng thêm 79 ha.
Cũng theo quy hoạch, Yên Bái đề xuất giữ nguyên diện tích hai khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN phía Nam; KCN Âu Lâu; thành lập mới KCN Trấn Yên; mở rộng KCN Minh Quân (từ 107,89 ha lên thành 195,89 ha, tăng 88 ha). KCN Minh Quân nằm trên địa bàn xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, gần trung tâm thành phố Yên Bái.
Như vậy, giai đoạn đến 2030, tỉnh Yên Bái được quy hoạch 08 KCN, tổng diện tích các KCN là 2.080 ha. Giai đoạn 2031 - 2050, thực hiện mở rộng KCN Thịnh Hưng, KCN Lục Yên và quy hoạch mới KCN vùng thượng huyện Văn Yên, nâng số lượng KCN toàn tỉnh lên 9 KCN; tổng diện tích KCN lên 2.539 ha.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh được xây dựng 22 sân golf. Hiện mới có 3 sân golf được các nhà đầu tư triển khai đầu tư, đưa vào khai thác.
Ba sân golf mới được các nhà đầu tư triển khai đầu tư, đưa vào khai thác này bao gồm: sân golf Vĩnh Thuận (TP Móng Cái), sân golf FLC, sân golf Tuần Châu (TP Hạ Long). Ngoài ra, có 2 sân golf đang được xây dựng là sân golf nằm trong Khu phức hợp Hạ Long Xanh và sân golf Đông Triều.
Với mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, có cơ cấu kinh tế “xanh”, phát triển theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột “thiên nhiên, con người, văn hóa”, tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ khởi công đầu tư thêm 5 sân golf tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có sân golf An Biên (xã Lê Lợi, TP Hạ Long) và sân golf Uông Bí (phường Phương Đông, TP Uông Bí).
Trong số 22 sân golf được quy hoạch thì sẽ có những sân golf được xây dựng tại khu vực các khai trường khai thác than lộ thiện tại thành phố Hạ Long sau hoàn nguyên.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, hầu hết các mỏ than khai thác lộ thiên tại TP Hạ Long và Cẩm Phả đều nằm ở trên những khu vực đồi cao, có tầm nhìn ra vịnh Hạ Long, Bái Tử Long rất đẹp. Việc xây dựng sân golf ở những khu vực khai thác than đã hoàn nguyên ở những vị trí trên cũng sẽ có những góc nhìn ra vịnh Hạ Long không kém gì sân golf FLC Hạ Long.
Huy Tùng (T/h)