Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Bình Phú gần 215ha tại Hòa Bình; Quảng Ngãi quy hoạch 341 ha mở rộng Công viên trung tâm Thành phố; Rắc rối vẫn chưa hết tại Dự án Chợ Đầm ở Nha Trang… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Bình Phú gần 215ha tại Hòa Bình; Quảng Ngãi quy hoạch 341 ha mở rộng Công viên trung tâm Thành phố; Rắc rối vẫn chưa hết tại Dự án Chợ Đầm ở Nha Trang… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tập đoàn FPT đầu tư dự án hơn 2.000 tỷ đồng tại Bình Định
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software do Công ty TNHH Phần mềm FPT làm chủ đầu tư.
Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software rộng 15,25ha thuộc khu vực 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Dự án nhằm xây dựng trung tâm nghiên cứu và sản xuất sản phẩm phần mềm, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Dự án cũng hướng tới việc góp phần xây dựng ngành công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế trọng điểm, quan trọng của tỉnh Bình Định. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Đây cũng là nơi sẽ sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: viễn thông, tài chính, ngân hàng, hải quan, hàng không, thương mại, thương mại điện tử và các dịch vụ công cộng, giáo dục, đào tạo, y tế, an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ là nơi đào tạo, huấn luyện nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.
Theo quy hoạch, Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software sẽ xây dựng một tổ hợp trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ, phần mềm và học viện đào tạo chuyên gia tại Quy Nhơn với các công trình: Trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ cao và sản xuất sản phẩm phần mềm; Học viện đào tạo chuyên gia, nhân lực công nghệ cao; Khu huấn luyện và trải nghiệm các kỹ năng sống cơ bản của công dân toàn cầu; Khu lưu trú ngắn hạn dành cho chuyên gia, người lao động.
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án hơn 400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư của dự án; vốn huy động từ tổ chức tín dụng hơn1.600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 80% tổng vốn đầu tư của dự án. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Bình Phú gần 215ha tại Hòa Bình
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành mới đây đã ký Quyết định số 883/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bình Phú.
Theo đó, địa điểm thực hiện dự án tại xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Quy mô sử dụng đất của dự án là 214,29 ha (không bao gồm 21,57 ha đất rừng, giữ nguyên chức năng đồi núi).
Diện tích đất 214,29 ha này bao gồm phần diện tích đất đã cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất và phần diện tích đất còn lại để nhà đầu tư thuê đất, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Về tổng vốn đầu tư của dự án, Nhà đầu tư xác định lại tổng vốn đầu tư của dự án trên cơ sở quy mô sử dụng đất của dự án và phương án hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã được sử dụng cho dự án, đảm bảo vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày 22/7/2022.
Dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư.
UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án và theo quy định của pháp luật. Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình và các cơ quan có liên quan phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư thỏa thuận, thống nhất với các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trước đây về tiền thuê, phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phương án đấu nối hạ tầng vào hệ thống kết cấu hạ tầng chung của khu công nghiệp Bình Phú, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.
Cùng với đó, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nhà đầu tư đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp, đảm bảo kết nối với các nhà máy, cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trước đây tại khu công nghiệp.
Quảng Ngãi quy hoạch 341 ha mở rộng Công viên trung tâm Thành phố
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi có văn bản góp ý Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Công viên trung tâm TP.Quảng Ngãi mở rộng.
Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, phạm vi ranh giới lập Quy hoạch phân khu có quy mô diện tích khoảng 341 ha thuộc một phần ranh giới xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Đối chiếu với Quy hoạch chung xây dựng TP Quảng Ngãi đến năm 2040, khu vực trên được định hướng quy hoạch đất hỗn hợp. Như vậy, việc đề xuất lập quy hoạch phân khu Công viên trung tâm thành phố mở rộng tại khu vực trên là cơ bản phù hợp với định hướng quy hoạch chung được duyệt; cơ bản phù hợp với chỉ đạo của UBND tỉnh.
Việc UBND thành phố Quảng Ngãi đề xuất mở rộng (khu vực phía Bắc - khoảng 19,5 ha) và bổ sung một phần diện tích tuyến đường Hoàng Sa (khoảng 21,5 ha) vào phạm vi ranh giới lập quy hoạch phân khu nhằm thuận lợi cho việc nghiên cứu, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực, đồng thời phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000) tại khu vực xã Tịnh Khê là phù hợp với định hướng quy hoạch chung được duyệt.
Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố Quảng Ngãi tiếp tục kiểm tra, rà soát nhiệm vụ quy hoạch theo các nội dung đã được Sở Xây dựng góp ý và các Sở ngành ý kiến góp ý. Đồng thời, quá trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, UBND thành phố cần kiểm tra, rà soát quy mô dân số dự báo (bao gồm cả dân số quy đổi) trong khu vực quy hoạch (và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tính theo quy mô dân số) phải phù hợp với chỉ tiêu dân số được phân bổ trong Quy hoạch chung.
Nghiên cứu bổ sung các yêu cầu cụ thể về vị trí, quy mô của công viên trung tâm; các yêu cầu về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và cảnh quan môi trường vùng rừng dừa nước, rừng phòng hộ, hành lang bảo vệ bờ biển; các yêu cầu về đảm bảo thoát lũ sông Trà Khúc, sông Giang. Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung nhiệm vụ quy hoạch theo đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
Rắc rối vẫn chưa hết tại Dự án Chợ Đầm ở Nha Trang
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo báo cáo của UBND TP Nha Trang, tiến độ thi công Dự án Chợ Đầm - Nha Trang (giai đoạn 1) cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sông Đà - Nha Trang đã thực hiện theo đúng thiết kế đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là còn 180 hộ kinh doanh trong chợ Đầm tròn chưa chịu đăng ký điểm kinh doanh trong chợ Đầm mới và không chịu di dời sang chợ Đầm mới kinh doanh, đồng thời có đơn kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa với nội dung: “Khiếu kiện hành vi hành chính về việc ngừng cung cấp điện; thực hiện rào chắn khu vực vành đai xung quanh chợ, đóng một số cửa chợ Đầm”.
Trước đó, ngày 7/3/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 03/2022/QĐST-HC về việc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.
Không đồng ý với kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Đầm tròn tiếp tục có đơn kháng cáo, gửi đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và đã được thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm tại Thông báo số 77/2022/TLPT-HC ngày 20/4/2022.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã họp và có Thông báo 258/TB-UBND ngày 15/6/2022 chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho UBND TP Nha Trang, Công ty TNHH MTV Chợ Đầm và các sở, ngành liên quan.
Dự án chợ Đầm do Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi chợ Đầm mới được xây dựng xong, nhiều tiểu thương không chịu di dời từ chợ Đầm cũ vào đó để kinh doanh, buôn bán.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần yêu cầu UBND TP Nha Trang và Công ty TNHH MTV Chợ Đầm (thuộc Công ty cổ phần Sông Đà - Nha Trang) chịu trách nhiệm xử lý việc bố trí các hộ tiểu thương vào các lô sạp trong chợ Đầm mới, nhưng kết quả không được như mong đợi.
Huy Tùng (t/h)/Theo Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-ngay-257-tap-doan-fpt-dau-tu-du-an-hon-2000-ty-dong-tai-binh-dinh-660942.html