Doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng hơn 30%; Lối thoát cho những dự án “ôm đất” chậm triển khai ở Đà Nẵng; Long An chấm dứt thu hồi 7 dự án bất động sản... là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng hơn 30%; Lối thoát cho những dự án “ôm đất” chậm triển khai ở Đà Nẵng; Long An chấm dứt thu hồi 7 dự án bất động sản... là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4-6-8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Dự án được thực hiện với quy mô sử dụng đất khoảng 4.516 m2 thuộc ô quy hoạch F1/HH6 theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6499 ngày 27/11/2015 để xây dựng công trình nhà ở xã hội cao tầng. Theo đó, mật độ xây dựng khối đế khoảng 66%, khối tháp khoảng 60%, tầng cao khoảng 31 tầng với quy mô dân số tối đa khoảng 1.154 người.
Dự kiến, vốn đầu tư của dự án Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng khoảng 1.183,4 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 256,7 tỷ đồng, chiếm 21,69% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác, chiếm 78,31% tổng vốn đầu tư.
Dự án có tổng cộng 2.000 căn hộ, mỗi căn hộ có từ 1 đến 3 phòng ngủ, diện tích tối thiểu mỗi căn 25m2, tối đa 70m2.
Dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025.
Trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, UBND TP Hà Nội đã quyết định chấp thuận nhà đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình cùng hợp tác đầu tư thực hiện dự án Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng.
Theo UBND TP Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn sẽ có 22 dự án nhà ở xã hội hoàn thành. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Gần đây, một dự án nhà ở xã hội tại xã Kim Hoa, Mê Linh đã chính thức khởi công xây dựng. Những dự án này hoàn thành dự kiến hoàn thành vào năm 2024, sẽ cung ứng ra thị trường tổng cộng 720 căn hộ.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh.
Hiện nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động...
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn hiện nay như: khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.
Mặc dù lãi suất điều hành giảm nhưng vẫn ở mức doanh nghiệp khó tiếp cận. Cùng đó, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng bị tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Thậm chí, có tập đoàn giảm từ 30 - 50% lực lượng lao động...
Lối thoát cho những dự án “ôm đất” chậm triển khai ở Đà Nẵng
Nhiều năm qua, không ít khu "đất vàng" tại trung tâm Đà Nẵng được giao cho nhà đầu tư triển khai dự án nhưng để hoang nhiều năm, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
Đơn cử như 3 khu đất lớn ở trung tâm TP Đà Nẵng thực hiện các dự án Golden Square, Viễn Đông Meridian Tower (84 Hùng Vương), Đà Nẵng Center (8 Phan Châu Trinh).
Ba dự án này hứa hẹn tạo nên điểm nhấn của thành phố. Mặc dù được chính quyền giao đất từ lâu, nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai, chỉ có dự án Golden Square xây dựng được vài tầng rồi dừng lại.
Mới đây, dự án Golden Square của Công ty cổ phần Địa ốc Đông Á đã chấm dứt hoạt động kể từ tháng 12/2022. Theo Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, Công ty Địa ốc Đông Á đã quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư dự án để thực hiện chuyển nhượng đất và tài sản trên đất theo quy định.
Tương tự, Dự án Viễn Đông Meridian Tower của Công ty cổ phần Địa ốc Viễn Đông cũng thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất cho Công ty TNHH MTV Kinh Bắc Đà Nẵng để thực hiện dự án trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, lấy tên mới là Diamond Square. Nhà đầu tư mới đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
Theo các chuyên gia, việc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư mới đủ năng lực được xem là lối thoát cho các dự án "treo" nhiều năm, tạo sự phát triển cho địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản cho biết, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp không đủ năng lực thì việc chuyển nhượng dự án là một vấn đề bình thường của thị trường. Đây là 1 trong những chiến lược cần thiết, không thể để kéo dài gây thiệt hại không chỉ của doanh nghiệp mà thiệt hại chung cho địa phương và xã hội.
"Chuyển nhượng dự án tạo điều kiện cho các doanh nghiệp năng lực hơn có cơ hội và tiếp tục dự án, tạo sự phát triển cho địa phương. Tuy nhiên nó cũng là vấn đề kinh nghiệm khi phê duyệt dự án mới thì cơ quan chức năng - chính quyền cũng cần xem xét rõ năng lực chủ đầu tư hơn, yêu cầu chứng minh năng lực tốt hơn", ông Hoàng nói và cho biết thêm, hạn chế trường hợp nhiều doanh nghiệp ko đủ năng lực - kinh nghiệm nhưng xin được phê duyệt dự án sau đó là chuyển nhượng kiếm lời nhanh chóng.
UBND tỉnh Long An đã ra công văn chấm dứt hoạt động dự án và Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đã có thông báo chấm dứt 7 dự án bất động sản trên địa bàn.
Theo đó, UBND huyện Bến Lức đã ra quyết định thu hồi dự án Khu dân cư Ba Làng - Bình Chánh với diện tích khoảng 40ha tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức do Công ty TNHH Hoa viên Gò Đen làm chủ đầu tư. Dự án này, tháng 10/2022, UBND tỉnh Long An đã có công văn chấm dứt hoạt động.
Dự án Khu dân cư nhà vườn Mỹ Yên Garden với diện tích khoảng 10ha tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức do Công ty CP Việt Dũng làm chủ đầu tư.
Dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Phú Mỹ diện tích 60,07ha tại xã Tân Bửu và xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức Công ty CP Đầu tư dự án Thịnh Phát làm chủ đầu tư.
Dự án Khu dân cư Vàm Cỏ Đông với diện tích khoảng 24ha tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức do Công ty TNHH Bất động sản Vàm Cỏ Đông Long An làm chủ đầu tư.
Dự án Khu dân cư nông thôn, diện tích khoảng 30,6ha tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức do Công ty TNHH Sài Gòn An Lạc làm chủ đầu tư.
Dự án Khu dân cư Hạnh Phúc (The Happy House) với diện tích khoảng 12ha tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức do Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tân Phú Land làm chủ đầu tư.
Dự án Khu dân cư với diện tích khoảng 3,1ha tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Võ Chuyển làm chủ đầu tư.
Các dự án trên, UBND tỉnh Long An đã ra công văn chấm dứt hoạt động dự án và Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đã có thông báo chấm dứt các dự án trên.
Hiện nay UBND huyện Bến Lức cũng đã ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ Thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất của các cá nhân có đất bị thu hồi trong dự án đối với 7 dự án nêu trên.
Huy Tùng (T/h)