Yêu cầu địa phương làm việc với từng dự án bất động sản để gỡ vướng mắc;Tân Thành Holdings tiếp tục đề xuất hai dự án hơn 700ha tại Lâm Đồng;Nghệ An điều chỉnh dự án Khu Công nghiệp VSIP…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Yêu cầu địa phương làm việc với từng dự án bất động sản để gỡ vướng mắc;Tân Thành Holdings tiếp tục đề xuất hai dự án hơn 700ha tại Lâm Đồng;Nghệ An điều chỉnh dự án Khu Công nghiệp VSIP…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Sẽ hạn chế tối đa xây chung cư ở khu vực nội đô lịch sử
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề ra chỉ tiêu phát triển nhà ở năm 2023, gồm: Tổng số nhà ở hoàn thành theo dự án trong năm là 21.100 căn; Tổng diện tích nhà ở hoàn thành theo dự án trong năm 4.110.000m2; Tổng số nhà ở và tổng diện tích nhà ở xã hội hoàn thành 400 căn, 28.000m2; Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 28m2 sàn/người.
Giai đoạn 2010 - 2020, toàn TP đã hoàn thành xấp xỉ 50 triệu m2 sàn nhà ở. Dự báo, giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn Thủ đô sẽ cần khoảng 89 triệu m2 sàn. Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 44 triệu m2; giai đoạn 2021 - 2030 là 45 triệu m2. Với mục tiêu đề ra, dự báo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn này cần khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.
Căn cứ vào Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Xây dựng đã tập trung đôn đốc các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hoàn thành những chỉ tiêu phát triển nhà ở đã xác định tại các chương trình, kế hoạch của Thành phố.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; tập trung đa dạng loại hình nhà ở, chú trọng nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau.
Đồng thời, khu vực nội đô lịch sử sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư (trừ dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, tái định cư) để hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng.
Các khu vực còn lại hạn chế phát triển nhà ở liền kề, thấp tầng, tăng tối đa nhà chung cư nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất; khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Yêu cầu địa phương làm việc với từng dự án bất động sản để gỡ vướng mắc
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 133 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như vấn đề đất công ích xen kẽ trong dự án, xác định giá đất…
Trong trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn giá đất thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, các chuyên gia tư vấn giá đất thực hiện việc xác định giá đất theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
"Chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để xác định rõ các nguyên nhân kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân các vướng mắc gửi về Tổ công tác trước 25/4 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng" - thông báo nêu rõ.
Thông báo kết luận nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cùng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận… địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33; đồng thời làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Tân Thành Holdings tiếp tục đề xuất hai dự án hơn 700ha tại Lâm Đồng
Mới đây, Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất đầu tư 02 dự án tại huyện Đức Trọng của Tân Thành Holdings, với tổng diện tích hơn 700ha.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng căn cứ các quy định pháp luật hiện hành giải quyết theo thẩm quyền; hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét nếu vượt thẩm quyền (trước ngày 30/4/2023).
Trước đó, ngày 6/4/2023, Công ty cổ phần đầu tư Tân Thành Holdings có văn bản số 0223/TTHs-CV gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng dưới tán rừng Núi Voi, quy mô 689,49 ha và dự án trạm dừng chân Liên Khương - Núi Voi quy mô 40 ha.
Cả hai dự án đề xuất nêu trên đều nằm trên địa bàn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 8/3 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến chỉ đạo về việc Công ty cổ phần đầu tư Tân Thành Holdings đề nghị nghiên cứu đề xuất ý tưởng quy hoạch dự án khu dân cư Lâm Hà tại huyện Lâm Hà.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng không xem xét đề nghị của Công ty cổ phần đầu tư Tân Thành Holdings về nghiên cứu đề xuất ý tưởng quy hoạch dự án khu dân cư Lâm Hà tại khu vực 11 ha đất rừng sản xuất của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai như ý kiến của UBND huyện Lâm Hà.
Cụ thể, khu vực này quy hoạch đất lâm nghiệp kết hợp đất cây xanh trong đô thị.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings tiếp tục nghiên cứu các địa điểm phù hợp khác tại huyện Lâm Hà và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Nghệ An điều chỉnh dự án Khu Công nghiệp VSIP
Sau khi điều chỉnh tổng vốn đầu tư Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An sẽ là hơn 6.343 tỷ đồng.
Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, ông Bùi Thanh An vừa ký Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm nhà đầu tư.
Theo đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và 2 Khu Công nghiệp; giai đoạn 1, 2 và 3 Khu Đô thị và Dịch vụ) được điều chỉnh với tổng vốn đầu tư là hơn 6.343 tỷ đồng, tương đương 279,9 triệu USD.
Vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 Khu Công nghiệp là hơn 1.420 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 1 Khu Công nghiệp là hơn 718 tỷ; vốn đầu tư giai đoạn 2 Khu Công nghiệp là hơn 702 tỷ đồng.
Vốn đầu tư giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3, giai đoạn 4 và giai đoạn 5 Khu Đô thị và Dịch vụ là hơn 4.922 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 1 Khu Đô thị và Dịch vụ là hơn 939 tỷ đồng; vốn đầu tư giai đoạn 2 Khu Đô thị và Dịch vụ là hơn 1.152 tỷ đồng; vốn đầu tư giai đoạn 3 Khu Đô thị và Dịch vụ là hơn 670 tỷ đồng; vốn đầu tư giai đoạn 4 Khu Đô thị và Dịch vụ là hơn 1.261 tỷ đồng; vốn đầu tư giai đoạn 5 Khu Đô thị và Dịch vụ là hơn 898 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là hơn 1.160 tỷ đồng.
Cơ cấu sử dụng đất của dự án (750ha) được điều chỉnh là đất xây dựng Khu Công nghiệp là 367,60 ha; trong đó giai đoạn 1 khoảng 225,96 ha, giai đoạn 2 khoảng 141,64 ha.
Huy Tùng (T/h)