Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dần hồi phục từng bước nhưng tốc độ phục hồi chậm, khó có sự đột phá cho đến cuối năm 2023.
Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dần hồi phục từng bước nhưng tốc độ phục hồi chậm, khó có sự đột phá cho đến cuối năm 2023.
Theo nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đến tháng 5/2023 đã ghi nhận sự khởi sắc tích cực nhờ các chính sách được tháo gỡ cùng động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước giúp sức cầu chung hồi phục.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể các doanh nghiệp bất động sản thành phố vẫn đang phải đối mặt với tình thế khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm bất động sản trên thị trường do dòng tiền nhàn rỗi vẫn chưa đảo chiều quay lại thị trường, sức mua thực tế nhìn chung còn yếu.
Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới thị trường sẽ dần hồi phục từng bước nhưng tốc độ phục hồi chậm, khó có sự đột phá cho đến cuối năm 2023.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường (Công ty Bất động sản Savills Việt Nam) cho biết, một trong những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh là việc Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả nước từ cuối năm 2022 cho đến quý 1/2023, qua đó giúp ngành bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh có giải pháp để vượt qua khó khăn trước mắt.
Điển hình là việc nhiều dự án bất động sản trên địa bàn của các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Gotec Land, CapitaLand, Gamuda Land, Son Kim Land... trong thời gian qua được gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có kế hoạch thực hiện các giải pháp gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho 81.085 căn nhà trên địa bàn thành phố thuộc các dự án của chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Khang Điền, Đất Xanh...
Việc được tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục và tiến hành huy động vốn đã giúp các doanh nghiệp tái khởi động nhiều dự án sau thời gian dài đình trệ vì thủ tục; khách hàng cũng bắt đầu quay lại tìm hiểu nhiều dự án, sản phẩm bất động sản của các doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, một tín hiệu tích cực khác của thị trường bất động sản thành phố là việc lãi suất trên thị trường đang ghi nhận xu hướng giảm rõ rệt trong thời gian gần đây.
Nhiều ngân hàng lớn, bao gồm cả ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất huy động để tiến tới sớm hạ lãi suất vay nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, giảm sức ép cho doanh nghiệp, người vay vốn.
Ông Trạch dự đoán, khả năng trong quý 2, quý 3/2023, chính sách tiền tệ sẽ dần nới lỏng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạ giúp giảm áp lực trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân; đầu tư công được thúc đẩy, nhiều dự án đầu tư đồng loạt được khởi động, trở thành đòn bẩy quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Cùng với đó, hàng loạt chính sách được ban hành trong thời gian gần đây cũng mang lại sinh khí cho thị trường bất động sản như việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép các Ngân hàng thương mại chủ động thực hiện giãn, hoãn các khoản vay tín dụng đến hạn chưa trả nợ được do tác động khách quan của nền kinh tế; trong đó có lĩnh vực bất động sản. Động thái này giúp giải quyết những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp và người dân, giảm bớt áp lực trả nợ, hỗ trợ phát triển kinh doanh mới.
Tuy nhiên, dù đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực nhưng tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh chưa mạnh, số lượng giao dịch thực tế trên thị trường nhìn chung còn thấp do đa số khách hàng vẫn đang rất thận trọng trong vấn đề tài chính sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; dòng tiền nhàn rỗi chủ yếu vẫn được gửi tiết kiệm ở ngân hàng, chưa quay lại thị trường bất động sản do nhiều người lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đối tượng mua bất động sản ở giai đoạn này chủ yếu là người mua để ở thực và đầu tư dài hạn chứ không còn là nhà đầu tư ngắn hạn dưới sự hỗ trợ của đòn bẩy tài chính như trước đây.
Theo Báo cáo thị trường Bất động sản Nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận tháng 5/2023 của DKRA Group, mặc dù thị trường căn hộ bán Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự cải thiện về nguồn cung mới với gần 2.900 căn hộ hiện đang được chào bán; số lượng các giao dịch chào bán “cắt lỗ” thứ cấp cũng giảm mạnh nhờ việc giảm lãi suất cũng như chỉ đạo gỡ vướng pháp lý dự án từ chính quyền thành phố nhưng thanh khoản toàn thị trường lại giảm mạnh 98% so với cùng kỳ, với tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 35% nguồn cung mở bán mới trong tháng.
Nhiều chủ đầu tư đã chủ động hỗ trợ lãi vay cho khách hàng với mức hỗ trợ cao hơn hoặc trong thời gian dài hơn; mạnh tay chiết khấu “khủng”, kéo giãn kỳ hạn thanh toán cho phương thức thanh toán nhanh hoặc kéo giãn lịch thanh toán nhằm kích cầu thị trường nhưng tỷ lệ xuống tiền thực tế vẫn thấp do mặt bằng giá bán sơ cấp vẫn đang tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào, lãi vay... chưa tiệm cận được với đa số người mua. Một số người mua có tâm lý chờ “bắt đáy” càng khiến thị trường bất động sản chậm phục hồi.
Ông Nguyễn Quốc Anh phân tích thêm, vào cuối năm 2022, mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đạt mức cao nên người dân bắt đầu chuyển sang gửi tiết kiệm tiền nhàn rỗi vào ngân hàng sau thời gian dài đổ vào bất động sản, khiến thị trường bất động sản bị mất thanh khoản.
Ông Anh dự đoán, cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và đây là lúc nhà đầu tư quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Nếu niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng; còn nếu lãi suất huy động có giảm xuống mức dưới 10% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền nhàn rỗi này có thể quay trở lại, giúp thị trường hồi phục.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một giải pháp khác giúp hồi phục thị trường là việc doanh nghiệp, chủ đầu tư nên chuyển hướng sang phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
Theo ông Châu, nhu cầu của người mua nhà ở phân khúc bình dân luôn rất cao, riêng trong quý I/2023 số lượt tìm kiếm “nhà ở xã hội” tăng đến 139% lượt so với cùng kỳ nhưng trong hai năm qua phân khúc nhà ở cao cấp luôn lấn át thị trường trong khi phân khúc bình dân lại không có sản phẩm nào.
Việc đưa phân khúc nhà ở bình dân trở thành phân khúc chủ đạo sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, bán thêm nhiều sản phẩm để khơi thông dòng tiền và đáp ứng nhu cầu lớn của người dân. Việc Tp. Hồ Chí Minh vừa chào bán hơn 1.600 căn hộ phân khúc hạng C dưới mức 40 triệu đồng/m2 trong quý I/2023 vừa qua cùng nhiều dự án đang dần triển khai có giá khoảng 1-1,6 tỷ đồng/căn là một dấu hiệu tích cực cho thấy nhà ở vừa túi tiền đang dần trở lại thị trường.
Ông Châu cũng cho rằng cần có sự điều chỉnh mức vay lãi suất đối với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bởi lãi suất hiện nay vẫn khá cao, vượt quá mức thu nhập của nhiều hộ gia đình.
Theo TTXVN