Là một tên tuổi lớn trong thị trường bất động sản miền Nam nhưng Tập đoàn Kim Oanh đang gặp nhiều khó khăn khi thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu. Đồng thời, Tập đoàn liên tục bị nhắc tên trong danh sách nợ thuế của Cục thuế tỉnh Đồng Nai.
Là một tên tuổi lớn trong thị trường bất động sản miền Nam nhưng Tập đoàn Kim Oanh đang gặp nhiều khó khăn khi thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu. Đồng thời, Tập đoàn liên tục bị nhắc tên trong danh sách nợ thuế của Cục thuế tỉnh Đồng Nai.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh (Công ty Kim Oanh) thành lập ngày 17/6/2020 tại 268A Phan Trung, Phường Tân Mai, Thành phố Biên Hoà, Tỉnh Đồng Nai với người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT công ty là ông Đặng Văn Quy.
Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: bà Nguyên Thị Thiên Nga (sở hữu 10% vốn), ông Đặng Văn Quy (sở hữu 70% vốn) và ông Nguyễn Văn Triển (sở hữu 20% vốn).
Trong năm đầu hoạt động, Kim Oanh ghi nhận 178 tỷ đồng doanh thu và gần 42 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, doanh thu giảm sâu xuống 25,3 tỷ đồng và công ty lỗ tới 194 tỷ đồng. Kết quả là tại ngày 31/12/2021, Kim Oanh âm vốn chủ sở hữu 52,1 tỷ đồng.
Bước sang năm 2022, doanh thu Kim Oanh tăng vọt, tăng 275 tỷ đồng, tương đương 10,6 lần lên 301 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập nhưng doanh nghiệp lại lỗ sau thuế 39,5 tỷ đồng khi các chi phí quá cao.
Tại ngày 31/12/2022, Kim Oanh gánh lỗ lũy kế 192 tỷ đồng và ghi nhận -91,7 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Cùng với tình trạng âm vốn chủ sở hữu, Kim Oanh còn chứng kiến tài sản giảm sâu. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của công ty địa ốc này chỉ còn 1.864 tỷ đồng, giảm 2.723 tỷ đồng, tương đương 59,4% so với cuối năm 2021.
Trong cơ cấu tài sản, chỉ tiêu Các khoản phải thu ngắn hạn có tốc độ đi lùi rất mạnh khi giảm 2.808 tỷ đồng, tương đương 68,9% xuống chỉ còn 1.268 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý nhất là các khoản phải thu từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi giảm từ 3.966 tỷ đồng xuống 1.164 tỷ đồng.
Trong khối tài sản của Kim Oanh, tiền chiếm tỷ trọng khá thấp. Hồi cuối năm 2022, Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ là 28,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 22,9 tỷ đồng của năm 2021.
Chỉ tiêu Đầu tư tài chính ngắn hạn (bao gồm cả tiền gửi ngân hàng) tại Kim Oanh thường xuyên là 0 đồng.
Khả năng trả nợ yếu, khả năng thanh toán thấp
Do âm vốn nên Kim Oanh mất cân đối về tình hình tài chính khi khả năng thanh toán thấp, khả năng trả nợ yếu.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Kim Oanh ghi nhận 1.955 tỷ đồng nợ phải trả và 1.864 tỷ đồng tổng tài sản. Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán tổng quát tại Kim Oanh chỉ là 0,95.
Theo lý thuyết, Hệ số khả năng thanh toán tổng quát nhỏ hơn 1 thể hiện “khả năng thanh toán của doanh nghiệp thấp, khi chỉ số càng tiến dần về 0, doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng thanh toán, việc phá sản có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không có giải pháp thực sự phù hợp”.
Bên cạnh đó, hồi cuối năm 2022, Kim Oanh có 1.526 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, 1.753 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Kim Oanh chỉ là 0,87.
Theo lý thuyết, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện: “Khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi Hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
Nợ thuế cũng là một vấn đề của Kim Oanh. Tại ngày 31/12/2022, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Kim Oanh là 9,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với 31,8 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Dù nợ thuế đã giảm nhưng Kim Oanh chưa nộp hết thuế. Chính vì vậy, công ty liên tục bị nhắc tên trong danh sách nợ thuế do Cục Thuế tỉnh Đồng Nai công bố.
Vào giữa năm 2022, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã công bố danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 4/2022. Tập đoàn Kim Oanh dẫn đầu với số nợ thuế hơn 15,76 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty Kim Oanh cũng được nhắc tên liên tục trong danh sách nợ thuế các đợt gần đây, lần lượt nợ đợt 2/2022 - nợ 25,3 tỷ đồng, đợt 3/2022 - hơn 19,3 tỷ đồng.
PV