Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa bị loạt nhà thầu phụ ngừng thi công vì chưa thanh toán công nợ. Vậy \'ông lớn\' xây dựng này có nguồn tiền ra sao để trả nợ?
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa bị loạt nhà thầu phụ ngừng thi công vì chưa thanh toán công nợ. Vậy \'ông lớn\' xây dựng này có nguồn tiền ra sao để trả nợ?
Đầu tháng 3, nhóm thầu phụ tại một số dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) là tổng thầu như V8,V9, L7, CT7, CT5,... đã thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ (có công nợ từ tháng 7/2022 đến nay).
Các công ty thầu phụ đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân, đồng thời để duy trì hoạt động của công ty. Nhưng đến nay, các đơn vị này không còn năng lực chi trả, công nhân đình công, nghỉ việc gây áp lực cho công tác quản lý và điều hành sản xuất.
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với báo chí, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hoà Bình cho biết trong tình hình khó khăn hiện nay, việc thanh toán nợ bằng tiền mặt gặp khó khăn nên có một số khách hàng đã tiến hành thanh toán cho Hòa Bình bằng chính sản phẩm bất động sản của họ.
"Dù khá bất lợi nhưng Hòa Bình luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng những người bạn đồng hành của mình, và chúng tôi cũng rất mong nhận được sự chia sẻ đó từ các nhà thầu phụ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng", ông Lê Viết Hải chia sẻ.
Ông Hải cho biết hiện tập đoàn có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho nếu các công ty thầu phụ nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Xây dựng Hòa Bình để đối trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất.
Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình sẵn sàng xác nhận công nợ đối với các nhà thầu phụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc các nhà thầu phụ vay vốn ngân hàng.
Nói thêm về những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, người đứng đầu Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết: “Trong lịch sử phát triển hơn 35 năm qua, chưa một lần nào Hòa Bình để xảy ra việc trễ hạn thanh toán nợ và lãi đến hạn cho các ngân hàng. Vì vậy, những ngân hàng lâu năm gắn bó với Hoà Bình đều rất tin tưởng và cam kết đồng hành và hỗ trợ tối đa cho chúng tôi. Tuy nhiên, do các chính sách về hạn mức tín dụng trong thời gian qua của nhà nước còn bị thắt chặt nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn".
Ông Hải cho hay tập đoàn vẫn đang tiếp tục khẩn trương thu hồi nợ và cơ cấu lại nguồn vốn của công ty, qua đó tìm cách bù đắp các thiếu hụt về tài chính khi nguồn vay từ ngân hàng chưa kịp đáp ứng đủ cho dòng tiền.
Xây dựng Hòa Bình đã trải qua năm kinh doanh “bết bát” nhất kể từ khi thành lập vào năm 1987. Là doanh nghiệp xây dựng lỗ nặng nhất sàn chứng khoán, Hòa Bình vẫn thuộc top 20 doanh nghiệp xây dựng đang duy trì vốn chủ sở hữu cao nhất tính đến cuối năm 2022.
Cả năm 2022, doanh thu của Hòa Bình đạt 14.123 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2021. Kết quả riêng quý IV/2022 đã kéo kết quả kinh doanh cả năm của công ty xuống mức lỗ 1.140 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên Hòa Bình báo lỗ sau 35 năm hoạt động.
Tính đến cuối năm 2022, Xây dựng Hòa Bình đi vay tổng cộng hơn 6.131 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, cao gấp 2,33 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 43% nợ phải trả. Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng 9% lên mức hơn 5.100 tỷ đồng và vay nợ dài hạn cao gấp 2,6 lần so với đầu năm, tăng từ 398 tỷ đồng lên hồi đầu năm lên mức hơn 1.030 tỷ đồng.
Nợ vay tăng trong bối cảnh thua lỗ thảm hại chưa từng có khiến ông lớn Xây dựng Hòa Bình gặp áp lực trả nợ, đặc biệt là nợ vay ngắn hạn. Vậy nguồn tiền để trả nợ đến từ đâu?
Khoảng 2 năm trở lại đây, khoản phải thu khách hàng luôn là vấn đề của các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt tại ‘ông lớn’ Xây dựng Hòa Bình. Để đảm bảo doanh thu, dù thấp hơn trước, doanh nghiệp buộc phải cho khách hàng nợ (thể hiện ở khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng) ngày càng nhiều.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến cuối năm 2022, khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng tại Hòa Bình hơn 6.772 tỷ đồng, tăng tới 26% so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, doanh nghiệp xây dựng này còn hơn 3.660 tỷ đồng phải thu theo tiến độ và 1.733 tỷ đồng phải ngắn hạn khác bao gồm ký cược, ký quỹ (442 tỷ đồng), tạm ứng cho nhân viên (190 tỷ đồng), phải thu bên liên quan (3,7 tỷ đồng), phải thu khác (1.097 tỷ đồng).
Khoản phải thu tăng đi kèm với các khoản phải thu khó đòi (nợ đọng) tăng theo khiến Xây dựng Hòa Bình phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 774 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 369 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 400 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính đến cuối năm 2022, tiền và tương đương tiền còn hơn 493 tỷ đồng, trong đó có hơn 491 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 3 tháng tại ngân hàng. Ngoài ra còn có khoản gửi dài hạn hơn 48 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2022, Xây dựng Hòa Bình còn hơn 2.395 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho xấp xỉ bằng đầu năm, trong đó có hơn 30 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Số tồn kho của Xây dựng Hòa Bình tập trung chủ yếu là hàng hóa bất động sản chỉ hơn 225 tỷ đồng, còn lại 551 tỷ đồng tồn kho nguyên vậy liệu xây dựng, tăng 30% so với đầu năm và hơn 1.562 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Ngoài ra, tồn kho ở hàng hóa hơn 6,5 tỷ đồng; thành phẩm gần 25 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần đầu năm; công cụ dụng cụ cũng tăng gấp 6,6 lần đầu năm, hơn 24 tỷ đồng.
Số liệu cho thấy, trước áp lực trả nợ vay tài chính ngắn hạn 5.100 tỷ đồng, Xây dựng Hòa Bình có trong tay 12.100 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, hơn 493 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và hơn 2.395 tỷ đồng giá trị hàng tồn. Với con số này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng số tiền trả nợ vay ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay sẽ khiến Hòa Bình khó khăn hơn trong việc thu hồi công nợ để trả nợ ngân hàng.
Thực tế, để thu hồi công nợ, Hòa Bình có ít nhất 2 lần phải khởi kiện các doanh nghiệp gồm CTCP Tập đoàn FLC và CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô.
Gần nhất, Hòa Bình công bố thắng kiện Thành Đô và đòi được khoản nợ gần 368 tỷ đồng từ chủ đầu tư này. Đây là các hợp đồng thi công xây dựng công trình thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire - tên thương mại là Cocobay Đà Nẵng tại TP Đà Nẵng.
Trước đó, năm 2019, Hòa Bình bắt đầu trích lập dự phòng cho khoản nợ khó đòi đối với FLC. Dù dự phòng (và hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp), công ty vẫn khởi kiện FLC và thu hồi được nợ. Khoản nợ thu hồi được đã được hoàn nhập (như một khoản doanh thu) cho Hòa Bình trong những năm sau.
Như đã trình bày ở phần đầu, sự kiện nhóm thầu phụ tại một số dự án do Xây dựng Hòa Bình là Tổng thầu như V8,V9 Vinhomes Smart City, L7 Vin Gia Lâm, CT7, CT5 Ecopark,... thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ. Vấn đề này đã khiến Hòa Bình phải lên tiếng thương lượng trả công nợ bằng bất động sản bởi trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều khách hàng của Xây dựng Hoà Bình cũng đã thanh toán nợ cho tập đoàn bằng bất động sản.
Ngoài ra, Hòa Bình còn tiết lộ có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho nếu các công ty thầu phụ nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận để đối trừ công nợ. Thông tin này phần nào phản ánh Hòa Bình cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, không thể thanh toán nợ bằng tiền mặt như trước đây.
Hà Phương