Ngày 7/9, 15 ngân hàng nhận được tin tốt khi Ngân hàng nhà nước chính thức nới room tín dụng năm 2022. Tuy nhiên, sau đó thị trường ngoại tệ và liên ngân hàng lại có loạt biến động trái chiều.
Ngày 7/9, 15 ngân hàng nhận được tin tốt khi Ngân hàng nhà nước chính thức nới room tín dụng năm 2022. Tuy nhiên, sau đó thị trường ngoại tệ và liên ngân hàng lại có loạt biến động trái chiều.
Sáng 7/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi thông cáo báo chí về việc đã thực hiện điều chỉnh nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các đơn vị này.
Cụ thể, hạn mức nới room tín dụng cao nhất lên tới 4% dành cho Sacombank. Ngoài ra, Agribank được nới room thêm 3,5% từ ngưỡng 7%; MB được cấp thêm 3,2%; OCB thêm 3,1%; Vietcombank thêm 2,7%; TPBank thêm 1,2%;...
SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động kỳ vọng tăng 1 – 1,5%.
Đáng chú ý, sau khi NHNN điều chỉnh nới room tín dụng năm 2022, lãi suất chào bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đối với VND tăng 0,64 - 1,04%/năm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Cụ thể, lãi suất qua đêm được đẩy lên 6,48%/năm, 1 tuần là 6,52%/năm, 2 tuần là 6,45%/năm và 1 tháng là 6,21%/năm, cao hơn nhiều so với trần lãi suất huy động 4%/năm đối với các kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng
Đến chiều 7/9, Sở Giao dịch NHNN điều chỉnh biểu niêm yết giá bán USD giao ngay từ 23.400 VND lên 23.700 VND. Đồng thời, NHNN ngừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay, trong khi tỷ giá bán giao ngay được niêm yết tăng 300 đồng, lên 23.700 VND/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 7/9 tại 23.592 VND/USD, tăng 47 VND so với phiên 6/9. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra là 24.120 - 24.220 VND/USD.
Có thể thấy, với việc được nới room tín dụng, hoạt động giải ngân tín dụng vốn chậm lại lâu nay được khơi thông trở lại và tiền chảy ra thị trường.
Trong khi đó, thanh khoản hệ ngân hàng vốn đang ở trạng thái khá căng thẳng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2022 đạt 9,35%, trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%. Tình trạng căng thẳng thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng dựng đứng. Chỉ trong hơn 10 phiên giao dịch, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ mức 1,99%/năm ngày 16/8 đã vọt lên 6,48%/năm vào ngày 7/9.
Xem thêm: Thị trường bất động sản sẽ được “tiếp sức” khi hàng loạt ngân hàng được nới room tín dụng?
Tuy nhiên, sau đợt tăng mạnh trong tuần trước, lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt và quay đầu giảm mạnh. Ghi nhận đầu tuần ngày 12/9, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn 4,29%/năm, giảm 0,32 điểm % so với ngày 9/9 và giảm hơn 2% so với mức đỉnh trong tuần trước.
Xu hướng này diễn ra tương tự với các kỳ hạn còn lại. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần giảm còn 4,47%/năm; lãi suất kỳ hạn 2 tuần -1 tháng chỉ còn dao động quanh mức 4%.
Trước đó, lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần bật lên vượt 7,5% - mức cao nhất kể từ năm 2012. Lý giải về điều này, CTCP Chứng khoán SSI cho biết thanh khoản trên hệ thống đã gặp nhiều áp lực, phần nhiều đến từ việc đáo hạn các hợp đồng bán USD và khiến dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống, đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh.
Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nới "room" cho một số tổ chức tín dụng
Hoàng Long (t/h)