Với việc mua lại 50% vốn của Song Hỷ Quốc Tế - chủ đầu tư dự án Aster Garden Tower quy mô đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng, đã phần nào hé lộ tham vọng địa ốc của ông Nguyễn Bá Dương – cựu Chủ tịch Cựu Chủ tịch Coteccons.
Với việc mua lại 50% vốn của Song Hỷ Quốc Tế - chủ đầu tư dự án Aster Garden Tower quy mô đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng, đã phần nào hé lộ tham vọng địa ốc của ông Nguyễn Bá Dương – cựu Chủ tịch Cựu Chủ tịch Coteccons.
Thuduc House ồ ạt bán tài sản nhưng chậm công bố thông tin
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có văn bản nhắc nhở CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, Mã CK: TDH) về việc chậm công bố thông tin.
Cụ thể, HOSE đã chỉ ra ba nghị quyết (vào tháng 3, 5 và 6) của Hội đồng quản trị Thuduc House chưa được công bố, lần lượt là chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Song Hỷ Quốc Tế, chủ trương bảo lãnh nghĩa vụ nợ 65 tỷ đồng cho Công ty TNHH Sản xuất Bao Bì Thiên Ý và chủ trương cho công ty thành viên này mượn tiền.
HOSE đề nghị Thuduc House thực hiện nghiêm túc và yêu cầu có công văn giải trình gửi về sở trước ngày 6/10. Đồng thời cho biết sẽ xử lý vi phạm của công ty ở mức độ cao hơn do những vi phạm trong công bố thông tin trong năm nay.
Từ đầu năm đến nay, sau lùm xùm truy thu thuế với giá trị gần 400 tỷ đồng, TDH liên tục có những động thái bán tài sản, thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết nhằm gia tăng nguồn thu.
Doanh nghiệp đã chuyển nhượng hết 22,49% vốn tại công ty liên kết - CTCP Chứng khoán Sen Vàng, đồng thời bán hết vốn tại 2 công ty khác hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, môi giới và mua bán hàng hoá, khai thác khoáng sản gồm Công ty TNHH Tam Bình Thủ Đức, Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản VICO Quảng Trị.
Bên cạnh đó, TDH đã đăng ký bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP HCM (FDC). Nếu thành công, TDH sẽ giảm sở hữu từ 13,88% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 6/10 đến 4/11. Trước đó từ ngày 22/7 đến 26/8, TDH cũng đăng ký bán toàn bộ 8,82 triệu cổ phiếu FDC nhưng không thành.
Mới đây, TDH cũng vừa công bố nghị quyết về việc thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTCP Phát triển Nhà Daewon – Thủ Đức với 40% vốn điều lệ. Tổng giá trị chuyển nhượng là 81,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chủ trương thoái vốn trong vòng 2 tháng kể từ ngày thông qua chủ trương này.
Trước đó, TDH bị Cục Thuế TP HCM thu hồi hơn 396 tỷ đồng tiền thuế GTGT đã hoàn và tiền chậm nộp thuế đối với kỳ tính thuế tháng 1 - 6/2019 và 2017 – 2018. Cục Thuế TP HCM cũng lưu ý số tiền trên chỉ mới tính trên số thuế truy thu và tính tiền chậm nộp.
Còn với hành vi vi phạm làm tăng số tiền thuế được hoàn, có dấu hiệu phạm tội trốn thuế theo điều 200 Bộ luật hình sự, Cục Thuế TP HCM tạm thời chưa xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ qua cơ quan tố tụng hình sự để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quyết định khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ trong một thời gian, sau đó kéo theo khoản lỗ 310 tỷ đồng trong năm 2020. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử 30 năm hoạt động của doanh nghiệp này. Ban lãnh đạo Thuduc House đánh giá đây là khủng hoảng chưa từng có, dẫn đến phải thu hẹp quy mô và các ngành nghề hoạt động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không đồng ý với các quyết định trên và đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân TP HCM đề nghị Tòa án xem xét tuyên bố hủy bỏ quyết định của Cục thuế TP HCM.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của TDH cho thấy, doanh nghiệp đã xóa sạch lỗ lũy kế và lãi 174 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu TDH vẫn bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM xếp vào diện cảnh báo do kiểm toán có ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản phải nộp và khoản phải thu đối với các quyết định Cục thuế TP.HCM.
Đáng chú ý, Thuduc House mới đây đã tham gia vào hệ sinh thoái "Louis" và ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với CTCP Louis Land (Mã: BII) tại 5 dự án bất động sản.
Sau khi gia nhập “nhóm Louis”, cổ phiếu TDH liên tục biến động mạnh khi liên tiếp tăng kịch trần, sau đó quay đầu giảm sàn liên tục trong nhiều phiên. Kết thúc phiên giao dịch 5/10, TDH đạt thị giá 11.000 đồng/cp.
Dự án được ông Nguyễn Bá Dương mua lại “khủng” cơ nào?
Gây nhiều chú ý trong các thương vụ chuyển nhượng của TDH là việc doanh nghiệp bán toàn bộ vốn góp của TDH tại Công ty TNHH Song Hỷ Quốc Tế (trước đây là Công ty TNHH Gia Hòa Bình).
Trước đó, vào năm 2019, TDH đã thông qua chủ trương mua 100% vốn góp Song Hỷ Quốc Tế để khai thác đầu tư dự án Aster Garden Tower. Sau đó, đến tháng 12/2020 Thuduc House đã rót thêm 531 tỷ đồng cho công ty này để phát triển dự án, nâng vốn điều lệ của công ty này lên 790 tỷ đồng.
Theo BCTC TDH, tính đến cuối tháng 3/2021, Thuduc House vẫn sở hữu 99,67% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này tương đương với giá trị đầu tư 737,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên trên báo cáo tài chính riêng soát xét giữa niên độ, khoản đầu tư này không còn được ghi nhận. Theo thuyết minh của TDH, doanh nghiệp đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Song Hỷ Quốc Tế. Đến cuối tháng 6 thì thương vụ hoàn tất.
Bên mua lại là hai cá nhân gồm ông Bùi Ngươn Phong (99,672%) và bà Trần Thị Hà (0,328%). Trong đó, ông Bùi Ngươn Phong là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong - chủ đầu tư cao ốc 40 tầng The Emerald Golf View ở Bình Dương.
Trong một diễn biến liên quan, cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Bá Dương, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) vừa mua lại 50% vốn (tương đương 395 tỷ đồng) tại Song Hỷ Quốc Tế từ ông Bùi Ngươn Phong.
Theo tìm hiểu, Song Hỷ Quốc Tế được thành lập năm 1999, có trụ sở chính tại phường Lái Thiêu, TP Thuận An, Bình Dương do bà Trần Thị Hà làm người đại diện pháp luật. Công ty này chuyên đầu tư, xây dựng chung cư cao tầng.
Đây là đơn vị làm chủ đầu tư dự án tổ hợp căn hộ chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại Aster Garden Towers tại phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Aster Garden Towers được coi là một trong các dự án chiến lược, động lực tăng trưởng cho Thuduc House trong thời gian tới.
Theo giới thiệu, dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 2 ha, tọa lạc số 19/2A, Quốc Lộ 13, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An. Dự án nằm trên khu vực tiếp giáp với quận 12, Thủ Đức và cách khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 15km về hướng Bắc.
Dự án được khởi công trong năm 2020 với tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng. Quy mô xây dựng dự án bao gồm 3 block chung cư, trong đó bao gồm khối văn phòng và khối chung cư cao 31 tầng nổi và 1 tầng hầm. Khối chung cư có phần đế từ tầng 1 đến tầng 4 và các tầng còn lại là tầng căn hộ.
Sản phẩm chính của dự án gồm 1.656 căn hộ, trong đó có 1.632 căn hộ từ 1 – 3 phòng ngủ với diện tích từ 40 m2 – 85 m2, còn lại là 24 căn hộ thương mại dịch vụ và văn phòng.
Aster Garden Tower được quảng cáo là có hệ thống tiện ích nội khu gồm công viên nội khu, vườn hoa nhiệt đới, đường dạo bộ, nhà trẻ kết hợp khu vui chơi dành cho trẻ em, phòng sinh hoạt cộng đồng, thư viện, hệ thống phòng tập gym & yoga, sân tập đa năng ngoài trời, hồ bơi… Với giá bán căn hộ tham khảo trên thị trường từ 23 – 27 triệu đồng/m2.
Lộ tham vọng địa ốc của tỷ phú Nguyễn Bá Dương
Sau khi rời Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương khá kín tiếng trên thị trường. Gần đây nhất ông xuất hiện với vai trò Chủ tịch sáng lập CTCP Vật liệu và Giải pháp SOL (SOL E&C).
SOL E&C được biết đến là công ty “khởi nghiệp” của ông Nguyễn Bá Dương – doanh nghiệp xây dựng với tham vọng trở thành một trong những tổng thầu hàng đầu của Việt Nam, đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng trong năm nay.
SOL E&C tiền thân là CTCP Vật liệu và Giải pháp SMART, được thành lập vào tháng 11/2015 – trước đó là khối thi công chống thấm thuộc Công ty F.D.C (Tiền thân Newteccons). Tính đến tháng 12/2020, SOL E&C đã tăng vốn lên 305 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, SOL E&C từng tham gia thi công hoàn thiện hàng loạt dự án lớn như Masteri An Phú, Nhà máy Gain Lucky, Nhà máy Brotex. Trong năm 2020, công ty trở thành tổng thầu xây dựng SOL E&C với giá trị hợp đồng ký kết hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên trang web của SOL E&C còn liệt kê một loạt dự án lớn trên khắp cả nước ở tất cả các mảng từ công nghiệp, dân dụng, khách sạn – khu nghỉ mát, đến giáo dục và cơ điện… Điển hình như: Dự án Yoko Onsen Quang Hanh tại Quảng Ninh, thành phố Cafe Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột, nhà máy Tetra Park Bình Dương tại Bình Dương, Hado Centrosa Garden tại TP.HCM, tổ hợp khu nghỉ dưỡng Hillside Phú Quốc tại đảo Phú Quốc, Park Riverside Premium TP HCM...
Đáng chú ý, SOL E&C còn cho biết, trong tương lai, Công ty định hướng sẽ phát triển thêm lĩnh vực đầu tư bất động sản công nghiệp và dân dụng để hoàn thiện hệ sinh thái ngành nghề, đồng thời nâng cao vị thế SOL E&C trên thị trường trong và ngoài nước.
Như vậy, việc tham gia đầu tư, phát triển dự án bất động sản đối với SOL E&C có lẽ chỉ là chuyện sớm muộn. Điều này cho thấy tham vọng của ông Nguyễn Bá Dương không chỉ dừng lại ở lĩnh vực xây dựng hay “trở thành một trong những tổng thầu hàng đầu của Việt Nam” mà ông Dương còn có những mục tiêu lớn khác đối với lĩnh vực bất động sản.
Và việc mua lại 50% vốn của Song Hỷ Quốc Tế, qua đó tham gia chi phối, phát triển dự án “khủng” Aster Garden Tower với quy mô đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng có thể là bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa tham vọng này?
Cùng với SOL E&C, “hệ sinh thái” của ông Nguyễn Bá Dương còn có CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons và CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons. Trong đó, Newtecons gây nhiều chú ý khi liên tục trở thành tổng thầu thi công xây dựng loạt dự án căn hộ cao cấp của chủ đầu tư Masterise Homes tại TP.HCM và Hà Nội.
Newtecons cũng được biết đến là bên trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn trong vai trò tổng thầu như tòa nhà Cadivi Tower, trường phổ thông quốc tế Gateway Starlake, dự án Kyocera Hải Phòng, dự án nhà máy Mappletree logicstic Bắc Ninh, GP Tower (Hà Nội).
Theo Hải Lan - Huy Tùng/PetroTimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ong-nguyen-ba-duong-toan-tinh-gi-khi-mua-lai-du-an-2000-ty-cua-thuduc-house-628432.html