Hiện tại, phần lớn hàng tồn kho của Nam Long đã “nằm” tại ngân hàng. Các chủ nợ đang “ôm” hàng tồn kho có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh TP.HCM, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam...
Hiện tại, phần lớn hàng tồn kho của Nam Long đã “nằm” tại ngân hàng. Các chủ nợ đang “ôm” hàng tồn kho có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh TP.HCM, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã: NLG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 235 tỷ đồng, giảm đến 60% nhưng doanh nghiệp vẫn lãi ròng gần 7 tỷ đồng, tăng gấp gần 11 lần so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu tại Nam Long, doanh thu bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự vẫn đóng vai trò chủ đạo với gần 175 tỷ đồng, theo sau đó là doanh thu cung cấp dịch vụ gần 47 tỷ đồng.
Do giá vốn giảm 77% còn hơn 76 tỷ đồng khiến lãi gộp của Nam Long giảm 36% về 160 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính quý I/2023 là điểm sáng khi đạt 45 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ chủ yếu là lãi ngân hàng và lãi cho vay. Bên cạnh đó, công ty còn có 78 tỷ đồng phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết. Đồng thời, công ty tiết giảm được 37% chi phí bán hàng và khống chế tương đối tốt chi phí quản lý khi chỉ để tăng thêm 5%.
Hàng tồn kho tại Nam Long vượt ngưỡng 15.000 tỷ đồng, nợ phải trả vượt 14.000 tỷ đồng
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty tăng nhẹ so với đầu năm lên 27.264 tỷ đồng. Bao gồm 3.425 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương với tiền, 3.277 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, 2.205 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Nam Long là hàng tồn kho tính đến 31/3/2023 tăng hơn 5% lên gần 15.612 tỷ đồng, chiếm 66% cơ cấu tài sản ngắn hạn và 57% tổng tài sản của công ty.
Trong đó, hơn 8.628 tỷ đồng tới từ Dự án Izumi City Đồng Nai (tổng diện tích 170ha nằm ngay cửa ngõ phía Đông của TP HCM), gần 3.663 tỷ đồng từ Dự án Southgate, gần 1.483 tỷ đồng từ Dự án Vàm Cỏ Đông Waterpoint (diện tích 165 ha tại Bến Lức, Long An)… Đây là 3 dự án có giá trị hàng tồn kho trị giá ngàn tỷ đồng và đang thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn được doanh nghiệp rao bán rộng rãi.
Ngoài ra, hàng tồn kho của Nam Long tập trung ở dự án Cần Thơ hơn 572 tỷ đồng; Dự án Hoàng Nam hơn 569 tỷ đồng; dự án Phú Hữu gần 241 tỷ đồng...
Hiện tại, phần lớn hàng tồn kho của Nam Long đã “nằm” tại ngân hàng. Các chủ nợ đang “ôm” hàng tồn kho của Tập đoàn này có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh TP HCM, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Bank.
Tính đến 31/3/2023, ngân hàng OCB là chủ nợ lớn nhất của Nam Long khi ghi nhận hơn 709 tỷ đồng các khoản vay ngắn hạn và hơn 649 tỷ đồng các khoản vay dài hạn. Nam Long đã dùng nhiều dự án để nhận được những khoản vay này. Đó là quyền sử dụng đất thuộc dự án Izumi với lãi suất dài hạn 12,9%/năm và các tài sản liên quan đến bất động sản tại Long An và TP HCM của công ty.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Nam Long tăng nhẹ so với cuối năm ngoái lên 14.209 tỷ đồng. Trong đó, 3.617 tỷ đồng là người mua trả tiền trước ngắn hạn, 1.008 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn, 1.470 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác (bao gồm đặt cọc, cổ tức phải trả cổ đông không kiểm soát…).
Trong quý, Nam Long thu từ đi vay hơn 887 tỷ đồng và đã trả 472 tỷ nợ gốc vay.
Tính tới cuối quý 1/2023, tổng vay nợ tài chính của Nam Long tăng hơn 8% so với đầu kỳ lên 5.605 tỷ đồng, trong đó 3.024 tỷ đồng là nợ vay trái phiếu. Trong đó có khoảng 450 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 6 năm nay. Các trái chủ đáng để tâm của Nam Long có thể kể đến Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC (1.000 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Kỹ thương - TCBS (950 tỷ đồng), Công ty TNHH Manulife (780 tỷ đồng). Lãi suất trái phiếu dao động từ 6,5% đến 15,78%.
Nam Long đặt mục tiêu lãi ròng 586 tỷ đồng trong năm 2023
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa công bố, CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) đạt mục tiêu đạt 4.836 tỷ đồng doanh thu thuần và 586 tỷ đồng lãi ròng trong năm nay, lần lượt tăng 11% và 5% so với kết quả đạt được trong năm 2022.
Trong đó, doanh thu dự kiến ghi nhận từ (1) bàn giao các dự án trọng điểm gồm Southgate (Waterpoint giai đoạn 1), Izumi City, EHome Southgate, Akari; (2) cung cấp dịch vụ quản lý dự án và bán hàng cho các công ty liên doanh, liên kết; (3) bán các tài sản thương mại tại các dự án VCD, Nam Phan, Ehome.
Trên cơ sở kế hoạch lợi nhuận này, HĐQT dự kiến đề xuất chia cổ tức 2023 bằng tiền với tỷ lệ 5% trên mệnh giá và sẽ được chi sau ĐHĐCĐ thường niên 2024. Phần lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ còn 356 tỷ đồng.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào sáng ngày 22/4, Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang cho biết HĐQT định hướng Nam Long "phải xuyên thủng thị trường với dòng sản phẩm 'affordable housing' (nhà ở vừa túi tiền). Đây đúng là sở trường của Nam Long, chúng ta đã chuẩn bị từ những thập niên 90 với dòng sản phẩm Ehome, EhomeS, Flora, Valora đều hướng đến người có nhu cầu ở thực".
Cụ thể, Nam Long sẽ ưu tiên phát triển những dự án có sản phẩm sẵn sàng, phù hợp với thị trường và phù hợp với năng lực thanh toán của người mua nhà. Đồng thời, Nam Long xây dựng chính sách hỗ trợ cho người mua nhà bằng cách giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất. Hiện nay, Nam Long đang hỗ trợ khách hàng mức lãi suất 6%, áp dụng cho các dự án của doanh nghiệp.
Nam Long sẽ ưu tiên mở rộng quỹ đất cho sản phẩm nhà ở vừa túi tiền trong những năm tiếp theo. Theo chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang, các đối tác từ Hankyu, đến Keppel Land, IFC đều ủng hộ Nam Long phát triển dòng sản phẩm "affordable housing".
Đối với vấn đề tài chính, trước hết Nam Long sẽ tập trung dòng tiền cho công tác phát triển dự án “affordable”.Thứ hai, Nam Long ưu tiên cho công tác chuẩn bị (thiết kế, pháp lý…) để sẵn sàng cho những năm sau, đến khi thị trường phục hồi thì Nam Long có thể phát triển nhanh.
Thứ ba, Nam Long sẽ đa dạng hóa nguồn vốn, xây dựng cấu trúc phù hợp và tiếp cận nguồn vốn tốt. Từ những năm 2007-2008, chiến lược của Nam Long là hợp tác với các đối tác nước ngoài để sử dụng dòng tài chính quốc tế, năng lực quốc tế.
Hà Phương - Huy Tùng