Trong điều kiện đó, loại hình phòng trọ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư đang đáp ứng đáng kể nhu cầu ăn nghỉ cho lực lượng thu nhập thấp, nhất là công nhân lao động các khu công nghiệp, lao động dịch chuyển cơ học vào các đô thị. Tuy nhiên đối với loại hình này còn nhiều vấn đề đặt ra về nguồn cung, về tiện ích, diện tích, về khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn tối thiểu, về an ninh, an toàn về trật tự xã hội…
Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này, trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp trong thời gian tới nhằm mở rộng, nâng chất, chuẩn hóa loại hình phòng trọ, nhà trọ; giúp lực lượng lao động quan trọng tham gia phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế đô thị ổn định cuộc sống; yên tâm lao động sản xuất”.
Liên quan đến nội dung này, theo Bộ Xây dựng trong thời gian qua, pháp luật về nhà ở đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.780.000 m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Mặc dù việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra, thiếu nguồn cung dẫn đến nhiều đối tượng còn khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội và phải sử dụng loại hình nhà trọ do các cá nhân, hộ gia đình xây dựng và cho thuê. Do vậy, việc nghiên cứu quản lý, nâng cao chất lượng loại hình nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng như kiến nghị của đại biểu Tạ Minh Tâm là cần thiết.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay, pháp luật về nhà ở chưa quy định khái niệm nhà trọ hoặc phòng trọ. Tuy nhiên, Luật nhà ở 2014 đã có quy định khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán theo cơ chế thị trường (khoản 2 Điều 13); đồng thời yêu cầu việc phát triển nhà ở phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở; tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng xây dựng; thực hiện đúng các yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm kiến trúc, cảnh quan, vệ sinh, môi trường, an toàn trong quá trình xây dựng và có khả năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đất đai (khoản 3 Điều 14).
Bộ Xây dựng nhận thấy mô hình nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng đã phát triển mạnh và hỗ trợ cho rất nhiều công nhân người lao động tại các khu, cụm, công nghiệp, khu đô thị có chỗ ở trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, còn nhiều khu nhà trọ hiện nay chưa đảm bảo chất lượng sống của người lao động (nhiều khu nhà là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo).
Bộ Xây dựng hiện đang triển khai xây dựng tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ, theo đó "Bộ Xây dựng xin được ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội Tạ Minh Tâm để nghiên cứu bổ sung các quy định chung về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng kỹ thuật, quy mô, chất lượng mô hình nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để cho thuê (nhà trọ) đảm bảo đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, sinh viên và người nhập cư", văn bản trả lời của Bộ này khẳng định.
Trúc Dân