Ngân hàng thu nghìn tỷ từ bancassurance
Ngân hàng thu nghìn tỷ từ bancassurance
Hiện nay, hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (sản phẩm bancassurance) đã thực sự trở thành một kênh phân phối quan trọng với doanh thu phí mới mang về ngang ngửa mức đóng góp của kênh đại lý.
Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tháng 9/2021, trong khi doanh thu phí mới từ kênh đại lý ước đạt hơn 1.908 tỷ đồng thì kênh hợp tác với ngân hàng ước đạt trên 1.118 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2021, kênh đại lý tạo ra hơn 20.570 tỷ đồng doanh thu phí mới thì kênh ngân hàng mang về hơn 13.871 tỷ đồng.
Góp phần vào đà tăng trưởng mạnh mẽ này có thể kể đến các tên tuổi như FWD Việt Nam, Sun Life Việt Nam, Prudential Việt Nam, Manulife Việt Nam… là những hãng bảo hiểm đã công bố các thương vụ hợp tác độc quyền đình đám với các ngân hàng đối tác trong năm 2020.
Bước sang năm 2021, sản phẩm bảo hiểm phân phối qua ngân hàng tiếp tục bùng nổ. Mới đây, Hanwha Life Việt Nam chính thức hợp tác với VietBank phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Trước đó, VietBank đã từng hợp tác với Prudential.
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, thu nhập từ phí dịch vụ của ACB sẽ tăng 54,2% so với mức giảm 10,6% vào năm 2020 nhờ vào hợp đồng bancassurance với Sun Life Việt Nam (với ước tính phí trả trước 370 triệu USD sẽ được phân bổ đều trong 15 năm).
Còn VietinBank có thể ghi nhận khoảng 1.400 tỷ đồng từ phí trả trước vào lợi nhuận từ thương vụ Manulife mua lại Aviva sẽ được phê duyệt trong năm 2022.
Tại MB, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong 9 tháng đạt tới hơn 5.656 tỷ đồng, chiếm 66% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, tăng tới 43,6% so với cùng kỳ năm trước. SeABank thì có nguồn thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt trên 186 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 106 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Kênh phân phối qua ngân hàng tăng trưởng là nhờ các bên liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi cho khách mua qua kênh này.
Ngân hàng ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn?
Mới đây nhất, một khách hàng tên N.Đ.H của ngân hàng Việt Nam Thương tín (Vietbank) tại thành phố Đà Nẵng chi nhánh Hùng Vương có đơn thư gửi tờ Doanh nghiệp Việt Nam về việc bị nhân viên ngân hàng này ép mua bảo hiểm nhân thọ thì mới giải ngân khoản vay.
Anh N.Đ.H được một nhân viên hướng dẫn các thủ tục cần thiết và khẳng định giải quyết thủ tục hồ sơ giải ngân đúng ngày công chứng mua, bán đất và không hề có yêu cầu nào về việc phải mua bảo hiểm nhân thọ trong các thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, sau khi thống nhất, đến sát ngày anh N.Đ.H cần tiền giải ngân để công chứng mua tài sản đúng theo thỏa thuận với ngân hàng thì bị nhân viên này yêu cầu cần ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ thì mới hoàn tất các thủ tục giải ngân khoản vay.
Theo khách hàng này, đây hoàn toàn là việc làm vô lý, không có trong quy định hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn của ngân hàng VietBank mà anh đã ký. Đồng thời, việc để tới giờ "chót" nhân viên mới thông báo cần mua bảo hiểm nhân thọ lúc đó mới giải ngân thì không khác gì cài bẫy, ép buộc khách hàng.
Được biết, hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ của anh N.Đ.H ký với bên thứ 3 là công ty Prudential có tổng giá trị phải đóng hàng năm là hơn 11 triệu đồng và kéo dài hơn 60 năm, tức là dù cho có trả hết nợ vay rồi thì anh cũng vẫn phải đóng khoản bảo hiểm, mặc dù anh không hề mong muốn.
Thực tế, suốt thời gian dài, nhiều khách hàng cho biết khi đến ngân hàng gửi tiết kiệm thường xuyên được nhân viên chào mời, thậm chí "ép" mua bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, còn đủ loại bảo hiểm "bao vây" khi đặt chân đến ngân hàng để vay vốn hay gửi tiết kiệm do các nhân viên làm đủ mọi cách để đạt chỉ tiêu doanh số được giao.
Về phía các ngân hàng, do đặt kỳ vọng cao vào mảng bảo hiểm, chỉ tiêu được nhiều ngân hàng giao xuống các chi nhánh rất cao, đến lượt các chi nhánh lại "ép" chỉ tiêu xuống các phòng giao dịch rồi chia bình quân cho các nhân viên. Để đạt chỉ tiêu được giao, các nhân viên cũng tư vấn làm sao bán cho được bảo hiểm thay vì tư vấn đầy đủ cho khách hàng. Do vậy, đã có không ít vụ khách hàng tố bị ngân hàng ép mua bảo hiểm mới được vay vốn.
Ngân hàng đã sớm nhận ra bảo hiểm là miếng bánh ngon và an toàn để khai thác, trở thành một phần trong chiến lược đẩy mạnh thu ngoài lãi. Dù thu nhập từ mảng tín dụng vẫn ổn định, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thậm chí khó tăng trưởng do mức độ cạnh tranh cao từ các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ thường khó "đọ" lại các ngân hàng lớn có lượng khách hàng lớn sẵn có ổn định và nguồn vốn giá rẻ dồi dào, đồng thời ngày càng bị siết chặt theo các quy định nhằm chuẩn hóa dựa trên luật quốc tế.
Vì vậy, chỉ tiêu của nhân viên ngân hàng ngoài tín dụng giờ còn có chỉ tiêu được giao mấy trăm triệu phí bảo hiểm. Các ngân hàng hiện đua nhau hợp tác độc quyền với các công ty bảo hiểm, do đó bộ phận nào cũng bị 'dí' chỉ tiêu bảo hiểm.
Phía Bộ Tài chính cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động làm việc và lưu ý đối tác ngân hàng nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật và hợp đồng đại lý, không được ép mua bảo hiểm kèm các gói sản phẩm vay của ngân hàng.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm bảo đảm hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Theo Hoàng Long/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-trung-lon-tu-san-pham-bancassurance-khach-hang-keu-troi-vi-ep-mua-bao-hiem-d122747.html