Quý 1/2022, 'ông lớn' Techcombank báo lãi khủng gần 6.800 tỷ đồng nhưng lãi dự thu tăng tới 25% lên hơn 7.000 tỷ đồng. Đồng thời, nợ xấu tại Techcombank cũng tăng và có hơn 92.000 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn.
Quý 1/2022, 'ông lớn' Techcombank báo lãi khủng gần 6.800 tỷ đồng nhưng lãi dự thu tăng tới 25% lên hơn 7.000 tỷ đồng. Đồng thời, nợ xấu tại Techcombank cũng tăng và có hơn 92.000 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn.
92.000 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, nợ xấu và lãi dự thu cùng tăng
Quý đầu năm, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) báo lãi trước thuế tăng 23% so với cùng kỳ, đạt hơn 6,785 tỷ đồng nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần tại Techcombank tăng 32% so với cùng kỳ 2021 thu về 8.111 tỷ đồng, nhờ tăng thu nhập lãi từ cho vay và thu lãi từ đầu tư chứng khoán nợ.
Quý 1/2022, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 35%, thu về gần 1.793 tỷ đồng, nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán và tiền mặt, dịch vụ môi giới kinh doanh chứng khoán.
Tuy nhiên, một số nguồn thu ngoài lãi lại đi lùi thậm chí là thua lỗ như: kinh doanh ngoại hối giảm tới 48%, lãi từ hoạt động khác cũng giảm 27%. Đặc biệt, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 95 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 135 tỷ đồng. Tương tự, mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ gần 219 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 611 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí hoạt động trong kỳ tại Techcombank cũng tăng 21% lên hơn 3.108 tỷ đồng chủ yếu là lương và các chi phí liên quan.
Trong quý 1/2022, do Techcombank giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 74% so với cùng kỳ, chỉ còn trích hơn 218 tỷ đồng. Vì vậy Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 6.785 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận sau thuế đạt 5.614 tỷ đồng, tăng 25%.
Dù vậy, với việc lãi và phí phải thu tại Techcombank (lãi dự thu) tăng tới 25% chỉ trong 3 tháng đầu năm, lên hơn 7.252 tỷ đồng thì chất lượng lợi nhuận đến đâu vẫn còn là một điều đáng để ý.
Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào vào kết quả hoạt động kinh doanh.
Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản tăng 8% lên mức 615.270 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 5% lên 365.742 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4%, ghi nhận 328,914 tỷ đồng.
Chưa kể, nợ xấu tại Techcombank tăng 6% trong 3 tháng đầu năm, lên gần 2.442 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm 25% so với đầu năm xuống còn 510 tỷ đồng, song nợ nghi ngờ tại Techcombank lại tăng tới 30% lên gần 1.121 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 7% lên gần 811 tỷ đồng. Kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ mức 0,66% đầu năm lên 0,67%.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2022; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 160,8% trong khi tại thời điểm cuối tháng 12/2021 tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 163%.
Tỷ lệ nợ xấu chỉ phản ánh phần nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Vì vậy, nếu tính cả những phần nợ “tiềm ẩn” chưa được ghi nhận, thì tỷ lệ nợ xấu của Techcombank sẽ có loạt thay đổi, nếu được ghi nhận vào nội bảng thì những phần nợ này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhà băng.
Tổng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại Techcombank tính đến 31/3/2022 ghi nhận gần 92.195 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, bảo lãnh vay vốn không có thay đổi, còn cam kết trong nghiệp vụ thứ tín dụng (L/C) tăng 23% lên hơn 57.940 tỷ đồng và bảo lãnh khác tăng 14% ghi nhận hơn 34.197 tỷ đồng.
Đối với các ngân hàng thương mại, nợ tiềm ẩn chủ yếu bao gồm các khoản bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C, các khoản bảo lãnh khác như thanh toán, thực hiện hợp đồng, dự thầu… Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C nhìn chung có tính an toàn cao hơn so với các khoản bảo lãnh vay vốn hay các khoản bảo lãnh khác.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng, chưa được coi là nợ xấu. Tuy nhiên, rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của nhóm ngân hàng thương mại luôn hiện hữu, nó như ‘quả bom’ nổ chậm.
Một điểm đáng lưu ý thêm là các khoản cam kết ngoại bảng hiện vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, thực tế bấy lâu nay cho thấy vì đây là khoản mục ngoại bảng nên thông tin chi tiết về bản chất và việc trích lập dự phòng không rõ ràng. Điều này càng khiến lo ngại tăng cao trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn có cơ sở.
Nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp "khủng"
Tính đến 31/3/2022, Techcombank đang nắm giữ hơn 76.582 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 22,3% so với đầu năm, chiếm 11% trong tổng tài sản của nhà băng. Techcombank tiếp tục là “quán quân” về lượng trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ.
Trong năm 2021, Techcombank là ngân hàng đứng đầu hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 62.809 tỷ đồng, tăng 16.081 tỷ đồng, tương đương 34,4% so với con số cuối năm 2020. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng tới 11% trong tổng tài sản của nhà băng, cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng trung bình 2,6% của nhóm khảo sát.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Chủ tịch Hồ Hùng Anh khẳng định: “Ngân hàng nắm giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Lý do mà Techcombank giữ trái phiếu nhiều vì chúng tôi tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu đầu tư”.
Với trái phiếu doanh nghiệp, Techcombank sẽ thẩm định dưới góc độ như một khoản vay trung dài hạn và đương nhiên trong đó sẽ có từ phương án kinh doanh, nguồn tiền, khả năng trả nợ,… Thay vì khoản vay trung dài hạn Techcombank tư vấn thành các khoản trái phiếu có thể giúp cho các nhà đầu tư cùng Techcombank đầu tư.
Ở một diễn biến khác, tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 11/5, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phản ánh ý kiến cho rằng, giai đoạn vừa qua, thị trường bùng nổ giao dịch cho vay bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); tỷ lệ tín dụng bất động sản hiện nay cũng như việc mua, bán, đầu tư TPDN của chính tổ chức tín dụng (TCTD) và các công ty chứng khoán thành viên hiện ở mức cao. Điểm này cần được báo cáo, làm rõ.
Liên quan đến nội dung này, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, số dư đầu tư TPDN của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn; đến cuối tháng 3/2022, toàn hệ thống có 40 TCTD đầu tư TPDN với tổng số dư là 326,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021.
Tỷ trọng đầu tư TPDN so với tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2022 là 2,95%. Tính đến hết tháng 3/2021, tổng số dư đầu tư TPDN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống TCTD là 160,6 nghìn tỷ đồng (tăng 24,1% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 49,2% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống.
Theo Hoàng Long/PetroTimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ngan-hang-techcombank-su-huu-hon-92000-ty-dong-nghia-vu-no-tiem-an-650996.html