9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế tại Ngân hàng Quân đội (MB) đạt hơn 20.018 tỷ đồng, đứng vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng, chỉ thấp hơn Vietcombank.
9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế tại Ngân hàng Quân đội (MB) đạt hơn 20.018 tỷ đồng, đứng vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng, chỉ thấp hơn Vietcombank.
Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng MB, mã: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 . Theo đó, Ngân hàng MB duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, quản lý hiệu quả chi phí hoạt động, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý III/2023 tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước đạt 7.283 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 5.820 tỷ đồng. Ngân hàng MB là trong số ít ngân hàng có lợi nhuận tăng hai chữ số trong quý.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế tại MB đạt hơn 20.018 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 76% kế hoạch lợi nhuận năm. Riêng ngân hàng mẹ lãi 18.866 tỷ đồng, tăng 15%.
Với con số lợi nhuận này, MB vượt qua Techcombank và hiện đang đứng vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng, chỉ thấp hơn Vietcombank.
Trong quý III/2023, phần lớn các mảng kinh doanh của ngân hàng MB đều ghi nhận tăng trưởng trừ mảng kinh doanh ngoại hối lãi giảm 44% so với cùng kỳ và hoạt động kinh doanh khác (lãi thuần giảm 2,5%). Đáng chú ý, chứng khoán kinh doanh của ngân hàng có lãi đột biến mang về 186 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lãi 1,5 tỷ đồng.
Mặc dù lãi khủng trong 9 tháng đầu năm nay, song chất lượng tài sản của ngân hàng MB đang suy giảm, nợ xấu và lãi dự thu đều tăng. Con số này thể hiện khá rõ nét trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 vừa được ngân hàng công bố.
Cụ thể, tính đến 30/9/2023, lãi và phí phải thu (lãi dự thu) của MB ghi nhận hơn 9.981 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng không thuyết minh cụ thể khoản mục 'lãi và phí phải thu".
Đồng thời, nợ xấu tại MB tăng tới 101% so với thời điểm đầu năm, từ 5.031 tỷ đồng lên hơn 10.111 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng tới 190% so với đầu năm, từ 1.517 tỷ đồng lên hơn 4.403 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng tới 213% từ hơn 1.220 tỷ đồng lên gần 3.825 tỷ đồng. Duy nhất nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ 18%, từ 2.293 tỷ đồng xuống còn 1.882 tỷ đồng. Đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,09% lên 1,89%.
Không chỉ có nợ nhóm 3, nhóm 4 tăng lên, ngân hàng MB còn xuất hiện tình trạng nhảy nợ khi nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tăng tới 104% so với đầu năm, từ 7.809 tỷ đồng lên 15.935 tỷ đồng.
Ngoài con số nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, MB còn đang sở hữu gần 141.215 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn. Tỷ lệ ‘nghĩa vụ nợ tiềm ẩn/cho vay khách hàng’ chiếm đến 26%.
Đối với các ngân hàng thương mại, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn chủ yếu bao gồm các khoản bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C, các khoản bảo lãnh khác như thanh toán, thực hiện hợp đồng, dự thầu… Trong đó, cam kết trong nghiệp vụ L/C nhìn chung có tính an toàn cao hơn so với các khoản bảo lãnh vay vốn hay các khoản bảo lãnh khác.
Thực tế, đã có rất nhiều vụ kiện liên quan đến các cam kết bảo lãnh ngân hàng. Gần đây nhất, Tạp chíĐiện tử Kiểm Sát đưa tin, Công ty Bất động sản Tân Á Đại Thành – Meyland đã có đơn gửi Thanh tra giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM phản ánh về việc Ngân hàng TPBank chi nhánh TP. HCM trốn tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp; đồng thời tiến hành các thủ tục khởi kiện TPBank chi nhánh TP. HCM ra toà án.
MB tiếp tục tăng cho vay kinh doanh bất động sản
Tính đến 30/9/2023, MB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực với tổng dư nợ toàn tập đoàn đạt gần 577.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2022, cao hơn so với mức bình quân của toàn ngành. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 16,4%. Bên cạnh đó, quy mô tiền gửi khách hàng của MB cũng tăng trưởng 8,1% so với năm trước, đạt 479.732 tỷ đồng.
Đáng nói, trong bối cảnh nhiều nơi than thở dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản ngày càng khó khăn nhưng thực tế ở một số ngân hàng vẫn có xu hướng tăng cho vay lĩnh vực này.
Dư nợ bất động sản của các ngân hàng được phân loại dưới các dạng khác nhau như cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản hoặc cho vay cá nhân, vay tiêu dùng để mua nhà ở, mua đất để xây nhà...
Tại ngân hàng MB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến hết 30/9/2023 tăng tới 62% so với đầu năm, từ hơn 21.357 tỷ đồng lên hơn 34.506 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,4% tổng dư nợ. Ngoài ra, nhà băng này còn cho vay gần 26.755 tỷ đồng ở ngành xây dựng.
Đáng nói, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa cảnh báo tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).
Hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản đang được hỗ trợ nhiều từ Thông tư 02/2023 của NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại.
Vì vậy, khi thông tư hết hiệu lực, nợ xấu chắc chắc sẽ còn tăng cao. Trong trường hợp ngân hàng không giãn nợ thì việc nhảy nhóm nợ sẽ diễn ra rất nhanh và tình hình nợ xấu sẽ xấu đi rất nhanh so với con số công bố ở hiện tại.
Lê Thanh - Huy Tùng