Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo về trời không cần quá cầu kỳ nhưng cần đầy đủ, chu đáo, thể hiện được tấm lòng của gia chủ. Đồng thời cũng thể hiện ước muốn một năm mới gia đình sung túc.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo về trời không cần quá cầu kỳ nhưng cần đầy đủ, chu đáo, thể hiện được tấm lòng của gia chủ. Đồng thời cũng thể hiện ước muốn một năm mới gia đình sung túc.
Theo truyền thống của người Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc đã xảy ra trong gia đình một năm qua. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình.
Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ đưa ông Công ông Táo về trời (hoặc gọi ngắn gọn là đưa ông Táo về trời) luôn được tiến hành trọng thể. Theo truyền thống, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng để thể hiện sự biết ơn với ông Công ông Táo trong việc mang lại may mắn, hạnh phúc, sức khỏe cho gia đình đồng thời tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Vậy, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
Tùy theo văn hóa, phong tục mà cách cúng và mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở mỗi vùng miền có sự khác nhau. Mâm cúng không cần quá cầu kỳ nhưng phải đủ 2 phần: Lễ vật và Mâm cỗ để thể hiện sự thành kính của gia chủ.
Về lễ vật
Lễ vật trong mâm cúng ông Công ông Táo, mỗi gia đình cần chuẩn bị: Mũ Táo quân, 2 mũ ông (2 cánh chuồn) và 1 mũ bà (không cần cánh chuồn). Về màu sắc, mũ và áo của ông Công ông Táo sẽ được thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
Ở nhiều nơi, người ta chỉ sử dụng 1 chiếc mũ có cánh chuồn để tượng trưng kèm theo áo và đôi hia giấy. Hoặc chỉ cúng tượng trưng 1 cỗ mũ ông Công (có 2 cánh chuồn) lại kèm theo 1 chiếc áo và 1 đôi hia bằng giấy.
Ngoài ra, để Táo quân có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở miền Bắc: 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt lợn vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng; 1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng; 1 đĩa chè kho; 1 mâm ngũ quả (trong đó có 1 quả bưởi); 1 ấm trà sen; 3 chén rượu; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa; 1 con cá chép sống; 1 tập giấy tiền, vàng mã; 3 bộ áo mũ Táo quân.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo miền Trung: 1 đĩa gạo; 1 đĩa thịt luộc; 1 đĩa muối; 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa hoa quả; 1 đĩa xào; 1 ấm trà; Rượu (3 chén); Lá trầu, quả cau; 1 xấp giấy tiền, vàng mã; 1 lọ hoa tươi; 1 con cá chép rán hoặc cá sống; Hương, đèn, nến,…
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở miền Nam: 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; Thịt lợn luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng; 1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng; 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 3 chén rượu; 1 quả bưởi; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc.
Mâm cỗ chay cúng ông Công ông Táo: 1 đĩa xôi hoặc 1 đĩa bánh chưng bóc sẵn; 1 đĩa giò chay; 1 đến 2 đĩa xào chay: gợi ý như rau củ quả xào, bắp non xào giò chay,…; 1 bát canh: gợi ý như canh măng nấu mọc chay, canh rau củ chay,…; 1 đĩa nem chay: gợi ý như nem bơ rong biển, nem rau củ mè đen,…; 1 bát cơm xới đầy; 1 đĩa hoa quả, 1 đĩa chè kho (nếu có); 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối.
Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng (trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp). Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã (là các lễ vật: mũ, áo, hia và tiền, vàng bằng giấy), sau đó thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để chở ông Táo lên chầu Trời.
Ngọc Lan (T/h)