Thời gian gần đây, Taseco Corp cùng các công ty con từng rất nhiều lần mang tài sản, cổ phần đi thế chấp tại các ngân hàng.
Thời gian gần đây, Taseco Corp cùng các công ty con từng rất nhiều lần mang tài sản, cổ phần đi thế chấp tại các ngân hàng.
Ngày 20/9 vừa qua, CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận đăng ký trở thành công ty đại chúng. Đây là bước tiến mới nhất của doanh nghiệp trong kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE, được thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
Tại thời điểm đó, ban lãnh đạo Taseco Land dự kiến quá trình niêm yết sẽ hoàn tất trong năm 2023. Tuy nhiên, cập nhật mới nhất tại bản cáo bạch, công ty dự kiến sẽ hoàn thành việc niêm yết trong năm 2025 với vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 5.000 tỷ đồng.
Taseco Land tiền thân là CTCP Đầu tư Bất động sản An Bình. Đến năm 2017 công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư bất động sản Taseco như ngày nay. Taseco Land liên tục tăng vốn thời gian sau đó, gần đây nhất, tháng 8/2022 tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.700 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay. Về cơ cấu cổ đông, Taseco Land có 1 cổ đông lớn duy nhất là CTCP Tập đoàn Taseco với tỷ lệ sở hữu 72,49%.
Taseco Land là đơn vị thành viên, mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái CTCP Tập đoàn Taseco (Taseco Corp) - một tập đoàn đa ngành với lĩnh vực kinh doanh chính ở mảng bất động sản, dịch vụ phi hàng không và khách sạn, đầu tư tài chính gắn liền với tên tuổi doanh nhân Phạm Ngọc Thanh. Năm 2018 Taseco Corp tái cấu trúc lại tổ chức hoạt động, theo đó toàn bộ lĩnh vực đầu tư, kinh doanh khối bất động sản chuyển sang cho Taseco Land.
Taseco Land được biết đến khi triển khai thành công nhiều dự án như An Bình Complex; Taseco Complex; Phú Mỹ Complex tại Khu đoàn ngoại giao; dự án Khu nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị mới Nam An Khánh tại Hoài Đức; dự án Khu đô thị Dệt may tại TP. Nam Định; dự án Khu đô thị kết hợp công viên cây xanh Green Park tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; dự án căn hộ - khách sạn Alacarte Oceanview Đà Nẵng tại TP Đà Nẵng...
Thời gian tới, Taseco Land sẽ đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và mở rộng các dự án bất động sản như: Dự án Tòa nhà Landmark 55 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây. Đây là dự án toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội chỉ sau Keangnam Landmark Tower 72 tầng và Lotte Center Hà Nội 65 tầng và là toà nhà cao tầng nhất Hà Nội do người Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 4.810 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2028.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Taseco Land ghi nhận doanh thu thuần tăng đột biến đạt hơn 2.800 tỷ đồng, tăng vọt 280% so với năm 2021. Sau khi trừ đi các chi phí, thuế phát sinh, Taseco Land báo lãi sau thuế hơn 360 tỷ đồng, tăng 180% so với năm 2021.
Đáng chú ý là doanh thu của Taseco Land trong năm chủ yếu đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong năm vừa qua, Taseco Land đã chuyển nhượng, thoái vốn tại hàng loạt công ty con.
Cụ thể, đầu năm 2022, Taseco Land chuyển nhượng 40.000 cổ phần của Công ty Hải Hà tương ứng với 20% tỷ lệ sở hữu tại công ty này với giá phí chuyển nhượng 4 tỷ đồng. Sau khi chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu của Taseco Land tại Hải Hà còn 35% và không còn nằm giữ quyền kiểm soát. Công ty Hải Hà trụ sở tại Thanh Hóa, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản.
Tháng 2/2022, Taseco Land cũng phải chuyển nhượng toàn bộ 4,4 triệu cổ phần của Công ty Phát triển Hồ Tây tương ứng tỷ lệ 55% của công ty này cho một cá nhân với giá phí chuyển nhượng 60,72 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Phát triển Hồ Tây không còn là công ty con của Taseco Land nữa.
Tháng 11/2022, Taseco Land cũng chuyển nhượng toàn bộ 11,7 triệu cổ phần của Công ty Bao Bì tương ứng với 66,27% tỷ lệ sở hữu tại công ty này cho một công ty con khác của Icon 4 với giá phí chuyển nhượng 204,24 tỷ đồng.
Đến cuối thời điểm năm 2022, Taseco Land có khoản đầu tư giá gốc 13,8 tỷ đồng đây là khoản đầu tư vào 868,3 nghìn cổ phiếu của một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và phải trích lập dự phòng 2 tỷ.
Về năng lực tài chính, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Taseco Land gần 5.659 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.181 tỷ đồng. Khác với nhiều chủ đầu tư khác trên thị trường, doanh nghiệp địa ốc này không sử dụng quá nhiều nợ vay để tài trợ hoạt động. Tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn chiếm chưa đến 20% tổng cơ cấu nguồn vốn trong đó vay ngắn hạn ngân hàng 889 tỷ đồng (chiếm 15,7%) và 125 tỷ đồng trái phiếu (2,2%).
Theo báo cáo mới nhất của Taseco Land, cập nhật tại ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Taseco Land đạt 3.815 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu 275 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,07 lần; dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,072 lần.
Năm 2023, Taseco Land đặt chỉ tiêu doanh thu 3.418 tỷ đồng và lãi trước thuế 641 tỷ đồng.
Tại báo cáo gửi HNX mới đây, công ty cho biết lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 23,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt hơn 48 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 chưa bằng 7% kết quả thực hiện năm 2022. Do đó, ROE (tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) là 0,63% trong khi cùng kỳ 2022 đạt 1,65%.
Liên quan đến phát hành trái phiếu, hồi cuối năm 2021, Taseco Land đã phát hành 125 tỷ đồng trái phiếu mã TALCH2123001, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10%/năm. Lô này sẽ đáo hạn vào cuối năm nay (ngày 31/12/2023).
Theo thông tin công bố ngày 25/08/2023 của Taseco Land, doanh nghiệp này đã phát hành 2 ngàn trái phiếu mã TALCH2325001, kỳ hạn hai năm từ 30/05/2023 đến 30/05/2025. Với mệnh giá 100 triệu đồng/tp, tổng giá trị của đợt phát hành này là 200 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Taseco Land đã hoàn tất việc phân phối và thu tiền mua trái phiếu từ các nhà đầu tư vào ngày 23/08/2023. Được biết, đây là lô trái phiếu đầu tiên mà Taseco Land công bố huy động trong năm 2023.
Sau lưng Taseco Land là Taseco Corp. Taseco Corp tiền thân là CTCP Dịch vụ hàng không Thăng Long (Thăng Long Air Service), thành lập tháng 2/2005. Sau nhiều lần tăng vốn, lần gần đây nhất tháng 12/2019 Taseco Corp tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Ngọc Thanh sở hữu tỷ lệ 17%.
Về tình hình kinh doanh, năm 2021 Taseco Corp ghi nhận thua lỗ 77 tỷ đồng. Đến năm 2022 đã lãi sau thuế 431 tỷ đồng và nửa đầu năm 2023 lãi 252 tỷ đồng.
Bức tranh tài chính cũng ghi nhận vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2023 đạt 3.306 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả gấp 1,41 lần vốn chủ sở hữu, lên mức 4.661 tỷ đồng. Nợ trái phiếu 562 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Taseco Corp từng rất nhiều lần mang tài sản, cổ phiếu đi thế chấp tại các ngân hàng.
Theo đó, những giao dịch thế chấp gần đây nhất ghi nhận vào tháng 1/2022, Taseco Corp mang cả xe ô tô Toyota Land Cruiser Prado VX mới 100% thế chấp tại BIDV - CN Hà Nội. Đến tháng 12/2022 công ty đã thế chấp 45 triệu cổ phần của Taseco Land tại Vietinbank CN Thành phố Hà Nội, tương ứng 16,7% vốn điều lệ, thuộc sở hữu của Taseco Corp.
Tiếp đó, ngày 19/5/2023, Taseco Corp mang 40 triệu cổ phần Taseco Land đi thế chấp cũng tại Vietinbank. Đến ngày 29/5/2023 Taseco Corp còn mang 30 triệu cổ phần Taseco Land thế chấp tại CTCP Chứng khoán ngân hàng công thương, tương đương 11,1% vốn điều lệ.
Đến tháng 6/2023, Taseco Corp đứng tên cùng Taseco Land và CTCP Đầu tư bất động sản Phú Mỹ (một công ty con của Taseco Land) thế chấp quyền tài sản tại Dự án Khu đô thị mới thuộc dự án Khu đô thị mới Trung tâm thành phố Thanh Hóa do liên doanh này làm chủ đầu tư, thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân Đội.
Tháng 7/2023 vừa qua, Taseco Corp cũng mang 5 triệu cổ phần tại CTCP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam thế chấp tại Chứng khoán SSI.
Bên cạnh công ty mẹ là Taseco Corp, tháng 12/2022 Taseco Land cũng mang 9 triệu Cổ phiếu của công ty con là Công ty CP Đầu tư xây dựng số 4 (mã: CC4) thế chấp tại Vietinbank CN Thành phố Hà Nội.
Đến tháng 5/2023, Taseco Land thế chấp là toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ các Hợp đồng mua bán căn hộ thuộc Dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư Alacarte Hạ Long tại Vietinbank CN Thanh Xuân.
Lê Thanh - Huy Tùng