Công ty cổ phần Thanh Xuân - Chủ khu nghỉ dưỡng cho giới thượng lưu Thung lũng Thanh Xuân vừa huy động gần 600 tỷ từ trái phiếu sau cú tăng vốn thần tốc từ 150 tỷ đồng lên 1.210 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Thanh Xuân - Chủ khu nghỉ dưỡng cho giới thượng lưu Thung lũng Thanh Xuân vừa huy động gần 600 tỷ từ trái phiếu sau cú tăng vốn thần tốc từ 150 tỷ đồng lên 1.210 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Thanh Xuân (Công ty Thanh Xuân) vừa công bố hoàn tất phát hành lô trái phiếu mã TXCCH2330001 với giá trị phát hành 583,5 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2.502 ngày (gần 7 năm) phát hành ngày 8/9/2023, hoàn tất phát hành ngày 5/10/2023 và đáo hạn vào ngày 15/7/2030. Công ty sẽ mua lại trái phiếu thành nhiều đợt vào các ngày thanh toán tiền lãi trái phiếu. Đợt mua lại gần nhất sẽ là vào ngày 15/7/2025, với tỷ lệ giá trị trái phiếu được mua lại là 15% trên tổng giá trị trái phiếu.
Theo thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lãi suất của lô trái phiếu này đang ở mức 10,57%/năm. Đáng nói, các thông tin của trái phiếu như loại trái phiếu, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo,... đều không được Công ty Thanh Xuân công bố.
Dữ liệu từ HNX cho thấy, đây là lô trái phiếu đầu tiên mà Công ty Thanh Xuân phát hành.
Về phía tổ chức phát hành, Công ty Thanh Xuân được biết đến là chủ đầu tư dự án Thung lũng Thanh Xuân tại Vĩnh Phúc, do CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) làm đơn vị phát triển. Dự án có tổng diện tích đất 170 ha. Cả Công ty Thanh Xuân và BIM Land đều là công ty con của BIM Group - một tập đoàn đa ngành tại Việt Nam.
Cuối tháng 9/2023, International Finance Corporation (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã cam kết đầu tư tới 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào các trái phiếu do Công ty Cổ phần BIM Land và Công ty Cổ phần Thanh Xuân phát hành. Trong đó, BIM Land dự kiến phát hành 2.333 tỷ đồng và Công ty Thanh Xuân là 1.167 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 19/09, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, đã cam kết đầu tư 3.500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) vào các trái phiếu do Công ty Cổ phần BIM Land và Công ty Cổ phần Thanh Xuân phát hành. Trong đó, IFC đăng ký mua trái phiếu lên tới 2.333 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) của BIM Land và 1.167 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD) do CTCP Thanh Xuân phát hành.
Khoản đầu tư tài chính này sẽ được sử dụng để phát triển dự án Thung lũng Thanh Xuân ở tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm một cộng đồng dân cư độc đáo và thân thiện với môi trường cùng với tổ hợp khách sạn dưới thương hiệu InterContinental cùng các dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan khác.
Cuối tháng 8 vừa qua, BIM Land cũng phát hành một lô trái phiếu ra thị trường trong nước với tổng giá trị huy động được là 2.333 tỷ đồng. Tương tự lô trái phiếu của Công ty Thanh Xuân, lô trái phiếu của BIM Land cũng sẽ đáo hạn vào ngày 15/7/2030.
Trái phiếu cũng sẽ được BIM Land mua lại thành nhiều đợt vào các ngày thanh toán lãi, gần nhất là vào ngày thanh toán tiền lãi 15/1/2025, công ty sẽ mua lại 20% trong tổng giá trị trái phiếu
Cú tăng vốn thần tốc
Công ty Thanh Xuân được thành lập vào tháng 4/2003, ngành nghề kinh doanh chính hiện tại là kinh doanh bất động sản, bà Đoàn Thị Xuân Thanh làm đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc.
Tính đến tháng 04/2015, công ty có vốn điều lệ 120 tỷ đồng với 7 cổ đông. Trong đó, ba cổ đông sở hữu tới 92,5% là bà Thanh (43,5%), ông Trần Hoài Bắc (39%) và bà Trần Hương Giang (10%); cả ba đều có chung địa chỉ thường trú tại số 8, làng kiến trúc phong cảnh, ngõ 47, phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Hồ Tây, Hà Nội.
Tương tự, cùng chung địa chỉ thường trú, hai cổ đông là ông Đoàn Quốc Hùng và Đoàn Thu Hà mỗi người đều sở hữu 2,5%. Hai cổ đông còn lại là ông Đoàn Minh Hằng và ông Nguyễn Văn Phong sở hữu lần lượt 1,5% và 1%.
Tháng 08/2018, công ty tăng vốn lên 150 tỷ đồng, ông Phong thoái sạch vốn, còn lại 6 cổ đông. Tháng 03/2021, bà Đoàn Thị Thanh Mai thay thế bà Thanh chức vụ Tổng giám đốc. 4 năm sau, tức tháng 2/2022, Công ty bất ngờ tăng vốn từ 150 tỷ đồng lên 1.210 tỷ đồng, sau đó cơ cấu cổ đông không được công bố. Cùng tháng 10/2022, ông Đoàn Quốc Huy giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Ông Đoàn Quốc Huy là con trai của nhà sáng lập BIM Group - Đoàn Quốc Việt.
Ngoài Công ty Thanh Xuân, ông Huy cũng đang đứng tên đại diện pháp luật tại hàng loạt công ty khác thuộc hệ sinh thái BIM Group như CTCP Sản xuất và Chế biến muối BIM, CTCP Năng lượng BIM, CTCP Tập đoàn Năng lượng BIM, Công ty TNHH Liên doanh Hạ Long Plaza,... Bên cạnh đó, ông Huy cũng từng là đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc tại BIM Land.
Về BIM Group được thành lập tháng 7/2018, vốn điều lệ 2.300 tỷ đồng do ông Đoàn Quốc Việt làm chủ tịch Hội đồng thành viên. Cơ cấu sở hữu gồm ông Đoàn Quốc Việt góp 88,34% và bà Khổng Thị Hiền góp phần còn lại. Tháng 7/2018 BIM Group tăng vốn điều lệ lên 3.150 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông có thêm 2 nhân vật Đoàn Quốc Huy và Đoàn Thị Mai Thanh.
Có thể nhận ra, Công ty Thanh Xuân thực hiện cú tăng vốn "thần tốc" từ 150 tỷ đồng lên 1.210 tỷ đồng là bước chuẩn bị chờ đón lô trái phiếu trăm tỷ đồng. Đích đến của dòng tiền chính là dự án Thung lũng Thanh Xuân ở ngay cạnh hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khu biệt thự nghỉ dưỡng, du lịch có diện tích gần 170ha, dự kiến cung cấp ra thị trường các sản phẩm từ liền kề, shophouses, biệt thự đến dinh thự thuộc 5 phân khu có tên: Spring Village, Orchard Residences, Forest Zone, Lake Zone và Valley Park Residences.
Đáng chú ý, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng Khoán Việt Nam có đưa tin, tháng 7/2023, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Tổng giám đốc Công ty Thanh Xuân và cũng là người thân hữu của hệ sinh thái BIM Group đã mang 2.904 cổ phần phổ thông của doanh nghiệp đi đảm bảo tại International Finance Corporattion.
Hà Phương