TP Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố, theo báo Chính phủ.
TP Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố, theo báo Chính phủ.
Theo đó, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới tại phường, thị trấn, thửa đất phải đảm bảo diện tích không nhỏ hơn 50m2, chiều dài trên 4m và chiều rộng giáp đường giao thông từ 4m trở lên.
Với các xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu để tách thửa là 80m2, các xã vùng trung du là 100 m2 còn các xã miền núi tối thiểu 150m2. Trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, chiều rộng mặt cắt ngang của lối đi được yêu cầu từ 3,5 m với thị trấn, 4 m trở lên với khu vực đồng bằng và 5 m trở lên với trung du, miền núi.
Với đất phi nông nghiệp, dự thảo quy định áp dụng cho các thửa đất không thuộc trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, với đất thương mại dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng giáp đường giao thông từ 10m trở lên, diện tích tối thiểu 400m2. Với các loại đất phi nông nghiệp khác, thửa đất phải có chiều rộng trên 20 m, diện tích tối thiểu 1000m2. Tại các xã khác, đất thương mại dịch vụ được tách thửa phải có diện tích không dưới 800m2 và đất phi nông nghiệp khác không dưới 2.000m2.
Hiện việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 20/2017. Theo đó, lô đất sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2 với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.
Còn điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp, quy định này áp dụng cho đất không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định số 64-CP (ngày 27-9-1993) của Chính phủ về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nằm ngoài phạm vi khu vực dồn điền, đổi thửa.
Những ý kiến, kiến nghị của người dân và các địa phương là cơ sở quan trọng để thành phố Hà Nội hoàn thiện dự thảo quy định về tách thửa, hợp thửa đất. Đặc biệt, việc tiếp thu, điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn sẽ giúp Hà Nội không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, mà còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân trong việc sử dụng đất.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, việc chia tách thửa đất cần thực hiện sao cho bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng đời sống dân sinh. Các quy định về chia tách thửa đất phải cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Điều này đòi hỏi việc phân lô, tách thửa đất không chỉ tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, mà còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.
Ngoài ra, việc tách thửa đất cũng cần bảo đảm không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm tránh tình trạng quá tải và bảo đảm chất lượng cuộc sống trong các khu vực dân cư. Việc chia tách thửa đất về lâu dài cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững nhằm tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội; đồng thời, cần phải chú trọng đến việc duy trì các giá trị văn hóa và lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Hoàng Quân