CTCP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) cho biết, đã chi hơn 300 tỷ đồng mua gần 10,9 triệu cổ phiếu PC1 của CTCP Tập đoàn PC1 (PC1 Group - HoSE: PC1), chính thức góp mặt trong danh sách cổ đông lớn của PC1.
CTCP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) cho biết, đã chi hơn 300 tỷ đồng mua gần 10,9 triệu cổ phiếu PC1 của CTCP Tập đoàn PC1 (PC1 Group - HoSE: PC1), chính thức góp mặt trong danh sách cổ đông lớn của PC1.
Trong thông báo mới đây, CTCP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) cho biết đã mua gần 10,9 triệu cổ phiếu PC1 của CTCP Tập đoàn PC1 trong phiên 30/8.
Sau giao dịch, VIX đã nâng sở hữu tại PC1 từ 2,07% (6,4 triệu cổ phiếu) lên 5,56% (17,3 triệu cổ phiếu). Với tỷ lệ nắm giữ mới này, chứng khoán VIX đã chính thức góp mặt trong danh sách cổ đông lớn của PC1.
Theo dữ liệu trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch 30/8 vừa qua, cổ phiếu PC1 ghi nhận các giao dịch thỏa thuận có tổng khối lượng đúng bằng lượng cổ phiếu mà Chứng khoán VIX đã mua với tổng trị giá hơn 309 tỷ đồng, tương đương giá giao dịch bình quân là 28.500 đồng/cổ phiếu.
Động thái của chứng khoán VIX diễn ra không lâu sau khi một cổ đông lớn PC1 vừa đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu sở hữu.
Cụ thể, ông Phan Ngọc Hiếu – Thành viên HĐQT PC1 đăng ký bán hết gần 15,6 triệu cổ phiếu PC1 (tỷ lệ 5%) để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 30/8 đến ngày 27/9. Hiện chưa có báo cáo kết quả của giao dịch này.
Trước khi trở thành cổ đông lớn PC1, VIX trải qua 6 tháng đầu năm 2024 kinh doanh đầy khó khăn khi chỉ lãi ròng hơn 285,7 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán VIX cho biết sự biến động của thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian này khiến lãi từ các tài sản FVTPL giảm gần 37% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tổng chi phí tăng 56% góp phần vào mức giảm lợi nhuận.
CTCP Tập đoàn PC1 (PC1 Group - HoSE: PC1) được thành lập vào ngày 02/03/1963. Năm 2005, công ty được cổ phần hóa. Ba năm sau, PC1 trở thành công ty đại chúng.
Trải qua hàng chục năm xây dựng và phát triển nhưng tình hình kinh doanh của PC1 Group chỉ thật sự khởi sắc kể từ khi Quy hoạch điện 7 được ban hành (từ năm 2011). Năm 2016, công ty chính thức được niêm yết trên HoSE với mã cổ phiếu là PC1.
PC1 Group được coi là ông trùm mảng xây lắp điện và liên tục lấn sân sang lĩnh vực mới như sản xuất công nghiệp, đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp hiện là đơn vị duy nhất và có quy mô lớn nhất Việt Nam về thiết kế, chế tạo cột thép đơn thân 110 KV, 220 KV – 1, 2, 4 mạch và cột thép liên kết thanh đến 750kV, với dây truyền công nghệ hiện đại tích hợp hệ thống điều khiển CNC tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm. PC1 đã tăng cường đầu tư và vận hành hiệu quả dự án khai thác và chế biến khoáng sản Niken - Đồng tập trung nâng cấp và phát triển nguồn tài nguyên lớn.
Đáng chú ý, PC1 Group hiện đang sở hữu trên 100.000 m2 đất tại các khu vực Hà Nội, Ninh Bình và Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai đầu tư và hợp tác đầu tư.
Đối với mảng tư vấn và dịch vụ, PC1 thực hiện tư vấn thiết kế và đã hoàn thành được kể đến gồm có: Nhà máy Thủy điện Tà Cọ-Sơn La; Đường dây 110kV từ Trạm 500kV Thường tín đến 110kV Thường Tín-Hà Nội: Nâng công suất trạm biến áp 110kV Nhật Tân – Hà Nội;...
Tính đến 30/6/2024, PC1 có 27 công ty con cấp 1 và 3 công ty con cấp 2. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của PC1 bật tăng mạnh mẽ.
Theo đó, năm 2024, PC1 đặt mục tiêu doanh thu 10.822 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 525 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này mang hơn 5.300 tỷ đồng doanh thu thuần và 319 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt hoàn thành gần 49% và 61% kế hoạch đề ra.
Doanh thu 6 tháng của PC1 tăng trưởng mạnh mẽ do đóng góp từ hai mảng gồm: xây lắp, cung cấp thiết bị điện và xây dựng hạ tầng KCN; sản xuất công nghiệp với hơn 2.819 tỷ đồng, tăng 109% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mảng khai thác quặng khoáng sản đem về hơn 866 tỷ đồng doanh thu (cùng kỳ không phát sinh).
Giải trình về kết quả này, công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu do thủy văn 6 tháng đầu năm 2024 thuận lợi làm sản lượng các nhà máy thủy điện của công ty tăng, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận gộp mảng mua bán điện tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, lãi suất vay thấp giúp chi phí lãi vay giảm góp phần tăng lợi nhuận sau thuế.
Trước đó, doanh thu tại PC1 Group mang về mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2018-2023, doanh thu mỗi năm trên mức 5.000 tỷ đồng và đạt mức cao nhất gần 10.000 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận tại PC1 Group mỗi năm chỉ vỏn vẹn vài trăm tỷ. Mức lãi sau thuế cao nhất cũng chỉ lên tới 764 tỷ đồng vào năm 2021.
Theo báo cáo tài chính Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2024, tại thời điểm ngày 30/6/2024, PC1 Group có tổng tài sản hơn 21.657 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với đầu năm (gồm hơn 8.495 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và hơn 13.000 tỷ đồng tài sản dài hạn).
Tài sản dài hạn chủ yếu từ tài sản cố định hơn 10.464 tỷ đồng, chiếm 49% và đầu tư tài chính dài hạn hơn 1.669 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn gồm hơn 3.551 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn; còn lại là hàng tồn kho hơn 1.528 tỷ đồng;...
Đáng chú ý, áp lực nợ vay vẫn là gánh nặng lớn của doanh nghiệp. Tính đến 30/6/2024, nợ phải trả tại PC1 Group gần 14.261 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức hơn 7.396 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 1,92 lần.
Để có số tài sản "khủng" này, PC1 Group đã vay nợ hơn 11.353 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,53 lần. Lưu ý, các khoản vay dài hạn lớn nhất để tài trợ cho nhà máy tuyển quặng Niken – đồng, điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên.
Lê Thanh