Hàng loạt kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của doanh nghiệp bị hủy bỏ hoặc phải điều chỉnh do sự xoay chiều đột ngột của thị trường chứng khoán Việt.
Hàng loạt kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của doanh nghiệp bị hủy bỏ hoặc phải điều chỉnh do sự xoay chiều đột ngột của thị trường chứng khoán Việt.
Diễn biến tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong hai năm qua đã giúp nhiều doanh nghiệp tận dụng sự hưng phấn để lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường cùng với triển vọng phục hồi và tăng trưởng khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng mục tiêu tăng vốn sẽ khả thi hơn và dễ thành công hơn so với giai đoạn trước. Loạt cổ phiếu cũng tăng giá mạnh theo cơn say "game" phát hành như cổ phiếu chứng khoán hay bất động sản…
Tuy nhiên, sự xoay chiều đột ngột của thị trường chứng khoán Việt từ tháng 4/2022 đến nay khiến mọi thứ không còn dễ dàng. Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm giá sâu, những kế hoạch phát hành cổ phiếu trở nên khó khăn khi nguồn cung cổ phiếu tăng cao trong khi phía cầu lại không có lực đối ứng. Kết quả là không ít kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã phải công bố hủy.
Ngày 14/10 tới đây, CTCP Louis Capital (Mã: TGG) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2022 tại quận 3, TP HCM.
Theo tài liệu công bố, Louis Capital sẽ trình cổ đông điều chỉnh kế hoạch doanh thu hợp nhất từ 1.071 tỷ đồng xuống 550 tỷ đồng, tức giảm 49%.
Còn nếu so với kết quả năm ngoái, kế hoạch này tương ứng giảm 32% về doanh thu. Công ty cố gắng không lỗ trong năm nay, trong khi kế hoạch ban đầu là có lãi sau thuế 122 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2022, Louis Capital đã lỗ sau thuế 30 tỷ đồng.
Tờ trình đáng chú ý trong lần ĐHĐCĐ sắp tới là việc hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư (đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua). Nguyên nhân, HĐQT nhận thấy phương án phát hành này không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
Theo kế hoạch ban đầu, Louis Capital dự kiến phát hành gần 27,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán là 12.500 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được sẽ được công ty sử dụng để đầu tư vào CTCP Louis Mega Mall - đơn vị sở hữu 5 trung tâm thương mại tại các tỉnh như: Hậu Giang, Trà Vinh, Gia Lai, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh.
Đồng thời, công ty cũng dự định phát hành gần 27,3 triệu cổ phiếu với giá 12.500 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Toàn bộ số tiền dự kiến thu được sẽ được dùng để mua lại 70% cổ phần của CTCP Sợi Việt Phú và bổ sung vốn lưu động cho Louis Capital.
Việc hủy phát hành cổ phiếu riêng lẻ và cho cổ đông hiện hữu trong bối cảnh trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TGG xuống vùng đáy 5.420 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch ngày 23/9/2022, rớt 70% giá trị so với ngày đầu năm.
Trước đó không lâu, CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) vừa thông qua việc hủy phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Lý do công ty đưa ra là kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi.
Theo kế hoạch ban đầu ngày 8/6, Sao Mai dự kiến phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Mức giá phát hành dự kiến là 12.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên 23/9, cổ phiếu ASM tạm dừng ở 16.700 đồng/cổ phiếu.
Với mức phát hành trên, Sao Mai có thể thu về hơn 2.019 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ từ 3.365 tỷ đồng lên mức 5.048 tỷ đồng.
Trong tổng số tiền thu được, Sao Mai sẽ đầu tư hơn 253 tỷ đồng vào CTCP Phát triển Du lịch An Giang, hơn 80 tỷ đồng vào CTCP Du lịch An Giang (AGTourimex) và hơn 69 tỷ đồng vào CTCP Du lịch Đồng Tháp (DongThapTourist). Số tiền còn lại gần 1.616 tỷ đồng sẽ được bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Tương tự, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) cũng đã thông báo việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà công ty đã nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Sau khi có phương án sử dụng vốn mới, công ty sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cho Ủy ban theo quy định.
Theo kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, HAGL dự kiến phát hành hơn 161,9 triệu cổ phiếu và giá chào bán là 10.500 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành riêng lẻ là trong năm 2022 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Trong 1.700 tỷ đồng dự kiến thu được, HAGL sẽ cho Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai vay 500 tỷ đồng để hoạt động kinh doanh; 700 tỷ đồng cho công ty con là CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang vay để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại tỉnh Gia Lai; 500 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do tập đoàn phát hành ngày 30/12/2016 mã trái phiếu HAGLBOND16.26.
Một doanh nghiệp xây dựng khác cũng thông báo hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, HoSE:CKG) ra quyết nghị tạm dừng triển khai đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Sau khi kết thúc đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, công ty sẽ triển khai đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 số 01/2021-NQ-ĐHĐCĐ ngày 19/6/2021 và Nghị quyết Đại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 số 01/2022/NQ-ĐHĐCĐ ngày 17/6 theo quy định của pháp luật.
Trước đó, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch chào bán 13,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán ủy quyền cho HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách theo BCTC kiểm toán gần nhất tại thời điểm chào bán. Giá trị sổ sách 1 cổ phiếu CKG theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 là 11.723 đồng/cp. Theo đó, HĐQT thống nhất giá chào bán riêng lẻ là 15.000 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn 46,2% so với mức giá trên thị trường ngày 22/9 là 27.900 đồng/cp.
Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 134 tỷ đồng, qua đó nếu thành công sẽ nâng vốn điều lệ từ 825 tỷ đồng lên 959 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động dự kiến dùng 64,7 tỷ đồng trả nợ vay đến hạn; 65,2 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ phải trả cho các đơn vị thi công; và 4,1 tỷ đồng thanh toán tiền mua vật liệu, tiền lương, tiền công cán bộ công nhân viên.
Bên cạnh những doanh nghiệp quyết định hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn do thị trường không thuận lợi thì vẫn có doanh nghiệp tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng vốn nhưng phải điều chỉnh giá.
Điển hình tại Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG). Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 diễn ra vào tháng 10 tới, DIC Corp lại một lần nữa điều chỉnh kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2022.
Từ phương án ban đầu là chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chào bán là 1:0,164 với giá chào bán là 30.000 đồng/cổ phiếu, DIG thay đổi kế hoạch tại đại hội lần một (diễn ra không thành công) là chào bán 150 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cp, tỷ lệ phát hành là 24.596%.
Tại lần này, công ty sẽ trình cổ đông phương án chào bán tối đa 100 triệu cổ phiếu với giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 16,397%, số tiền dự thu giảm một nửa, còn 1.500 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ dùng để đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân tại Đồng Nai. Thời điểm thực hiện dự kiến quý IV này đến quý I/2023.
Như vậy, DIC Corp đã hạ giá chào bán xuống một nửa, từ 30.000 đồng/cổ phiếu xuống 15.000 đồng/cổ phiếu và giữ nguyên số lượng chào bán so với mục tiêu ban đầu.
Trên thị trường, cổ phiếu DIG đã giảm hơn 68% so với đỉnh đạt được hồi tháng 1/2022 và đang trôi dần về vùng đáy 1 năm. Cổ phiếu lao dốc sau thời gian tăng nóng khiến cổ đông cũng dần thoái trào và dường như không còn “mặn mà” với những kế hoạch của công ty.
Tương tự, CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã CK: TNH) điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức 2021 trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường tổ chức ngày 10/10 tới. Cụ thể, thay vì chi trả cổ tức với tỷ lệ 25% (5% tiền mặt, 20% cổ phiếu), TNH dự kiến nâng tỷ lệ cổ tức lên 30% và trả hoàn toàn bằng cổ phiếu.
Nội dung khác dự kiến trình lên ĐHĐCĐ là dừng không thực hiện các phương án phát hành chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 5/2022. Nguyên nhân do TNH chưa thống nhất được với một số đối tác nên chưa thể triển khai phương án phát hành.
Có thể thấy, năm 2021, những đợt phát hành tăng vốn của doanh nghiệp thường kéo theo nhịp sóng tăng mạnh của giá cổ phiếu. Tuy nhiên tới năm 2022, hiện tượng này đã không còn tái diễn.
Nhìn chung, để đảm bảo cho phương án huy động vốn thành công, các doanh nghiệp thường lựa chọn thời điểm thuận lợi như thị trường chứng khoán thăng hóa, giao dịch sôi động và dòng tiền nhà đầu tư dồi dào. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường chứng khoán những tháng đầu năm không mấy thuận lợi, theo đó giá nhiều cổ phiếu giảm hàng chục phần trăm, thậm chí xuống thấp hơn mức giá chào bán.
Đồng thời, bối cảnh thanh khoản giảm sút khi tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn cũng là một trở ngại lớn cho những hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp.
Hoàng Long (t/h)