Giá bất động sản, đặc biệt loại hình đất nền đang tăng mạnh ngay từ đầu năm 2022. Nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản bắt đầu nói nhiều hơn về câu chuyện mua bán, lời lỗ.
Giá bất động sản, đặc biệt loại hình đất nền đang tăng mạnh ngay từ đầu năm 2022. Nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản bắt đầu nói nhiều hơn về câu chuyện mua bán, lời lỗ.
Đang có dấu hiệu “thổi” giá
Báo Hànộimới cho biết, hiện nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, giá đất đang tăng khá mạnh, đặc biệt là ở TP Thủ Đức.
Đơn cử, đường Võ Văn Ngân, đoạn gần ngã tư Thủ Đức (phường Linh Chiểu) đang có giá dao động ở mức 160-180 triệu đồng/m²; trong khi ghi nhận trong tháng 12-2021, mức giá chỉ đạt cao nhất 150 triệu đồng/m². Ở khu vực xa trung tâm hơn như tại đường Tô Ngọc Vân (phường Tam Phú), hiện giá đất đã lên 80-120 triệu đồng/m²; trong khi cuối năm 2021, mức giá ở ngưỡng 60-80 triệu đồng/m².
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, hiện nay, việc sở hữu một bất động sản tại các thành phố lớn không còn quá khó như trước. Hiện một cá nhân sở hữu 2, 3 bất động sản là chuyện bình thường. “Anh A bán cho anh B, anh B bán cho chị C, chị C bán cho chị M, rồi chị M bán cho anh A. Một “tua” vậy là giá trị tăng lên 30-50%”, ông Trần Khánh Quang ví von câu chuyện mua bán đất nền hiện nay.
Lý giải về việc giá bất động sản, đặc biệt là đất nền liên tục tăng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc nhiều cá nhân, tổ chức “găm” giữ đất là một trong những nguyên nhân khiến giá đất liên tục leo thang.
Đã có thông tin về một số chủ đầu tư “té nước theo mưa”, “dừng” bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để “găm” hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá và trên thực tế giá nhà đất trên địa bàn TP Thủ Đức đã tăng mạnh so với trước đây.
Theo HoREA, tại TP.HCM hiện có vài chục dự án nhà ở thương mại của các doanh nghiệp đang chờ thực hiện thủ tục tính “tiền sử dụng đất”. Giá đất quá cao có thể làm cho cán bộ công chức “ngán ngại”, sợ trách nhiệm, hoặc làm chậm thêm việc tính “tiền sử dụng đất” dự án bất động sản, nhà ở thương mại.
“Điều này sẽ gây bất lợi đến các nhà đầu tư, phát triển bất động sản đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước đầu tư dự án”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.
Giá cao nhưng giao dịch thấp
Tuy giá bất động sản liên tục tăng cao, nhưng giao dịch thực tế lại rất thấp. Đây được xem là nghịch lý của thị trường bất động sản hiện nay và cũng là câu chuyện “lạ” nhưng giới kinh doanh bất động sản lại xem là “bình thường”.
Theo HoREA, giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với quy luật giá trị và thực tiễn của thị trường bất động sản. Điều này có thể vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa gây bất lợi cho chính các chủ đầu tư. Vì nếu đưa ra giá bán nhà, đất quá cao mà không được thị trường chấp nhận sẽ gây nguy cơ tăng lượng hàng tồn có giá trị lớn.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt loại hình đất nền phần lớn là dân đầu cơ tham gia. “Người mua bất động sản để đầu cơ thường không quan tâm việc bất động sản đó có được sử dụng hay không. Điều họ quan tâm và mong muốn là biến động giá”, một chuyên gia nhận định.
Thực tế cho thấy, không chỉ ở TP.HCM, mà cả ở các thành phố thuộc tỉnh không hiếm để bắt gặp các dự án bất động sản quy mô lớn. Tuy nhiên, phần lớn các dự án này chưa được khai thác, gây lãng phí lớn về mặt bằng ở, kinh doanh. Thực trạng này có nguyên nhân đến từ việc nhà đầu tư bất động sản chủ yếu lướt sóng, sang tay kiếm lời.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh: “Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, thị trường bất động sản nói riêng, cần kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với các trường hợp chậm đưa dự án bất động sản vào sử dụng”.
Quỳnh Chi/Theo Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/dau-hieu-la-cua-thi-truong-bat-dong-san-d139128.html