Thị trường nhà ở Hàn Quốc lại được một số chuyên gia trong ngành coi là chỉ báo của các quốc gia khác.
Thị trường nhà ở Hàn Quốc lại được một số chuyên gia trong ngành coi là chỉ báo của các quốc gia khác.
Kim Myung-soo, 33 tuổi, có nhà ở Jamsil, phía đông Seoul, cho biết: “Mua nhà vào năm 2021 có thể là một trong những điều hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời tôi. Vợ tôi đang mang thai 33 tuần và tôi không biết làm thế nào để trả nợ thế chấp. Tôi cũng cố đợi giá tăng trước khi buộc phải bán căn nhà để trả nợ, nhưng có lẽ sẽ không thể đợi được nữa”.
Đáng chú ý, Kim không “đơn độc” trong cuộc khủng hoảng nhà ở tại thị trường Hàn Quốc.
Tại các nước phát triển, thị trường bất động sản đều đang ở trong tình cảnh khó khăn nhưng hiếm có nơi nào tệ như ở Hàn Quốc. Chỉ trong tháng 12, giá nhà đã giảm 2%, đánh dấu tháng mạnh nhất kể từ năm 2003. Đặc biệt, giá những căn hộ tại Seoul đã giảm 24% so với thời kỳ đỉnh cao hồi tháng 10/2021.
Tuy nhiên, thị trường nhà ở Hàn Quốc lại được một số chuyên gia trong ngành coi là chỉ báo của các quốc gia khác.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 8/2021, trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bảy tháng và trước Ngân hàng Trung ương Châu Âu gần một năm. Hiện lãi suất ở Hàn Quốc rơi vào ngưỡng 3,5%, cao nhất trong 14 năm trở lại đây.
Toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc đang cảm nhận rõ rệt các tác động từ lãi suất tăng. Quý IV/2022, tiêu dùng của khu vực tư nhân giảm 0,4%. Xuất khẩu tháng 1 giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng số đơn đặt hàng chip bán dẫn lao dốc không phanh.
Tất cả những yếu tố này sẽ kéo giá nhà đi xuống. Ngoài ra vẫn còn nhiều nguyên nhân khác.
Cụ thể, nợ của các hộ gia đình đã lên tới 206% thu nhập khả dụng trong năm 2021, cao hơn đáng kể so với mức 148% của Anh – vốn là nước rất chuộng các khoản vay thế chấp. 60% số nợ mua nhà của người Hàn Quốc có lãi suất thả nổi – điểm đối lập so với Mỹ, nơi hầu hết khoản vay có lãi suất cố định.
Kết quả là, tài chính của các hộ gia đình Hàn Quốc bất ổn hơn khi lãi suất tăng cao. Nhưng điều nguy hiểm là những người như Kim sẽ biến thành “người bán bị ép buộc”, tức buộc phải thanh lý tài sản ở mức giá không hề mong muốn. Khi đó sẽ không phải là giảm giá mà là lao dốc.
Nguy cơ này có khả năng xảy ra với mật độ dày và nhiều hơn tại Hàn Quốc bởi quốc gia này có hệ thống cho thuê nhà đặc thù, được gọi là jeonse.
Nhiều người thuê nhà trả một khoản tiền lớn cho chủ nhà, thường là 60-80% giá trị căn hộ và không phải đóng tiền thuê trong suốt thời gian đi thuê. Đến khi hợp đồng hết hạn (thường là sau 2 năm), họ lại nhận về toàn bộ số tiền đã cọc.
Thế nhưng, trong thời kỳ suy thoái, một số chủ nhà phải gấp rút bán rẻ nhà để trả lại tiền cọc cho người thuê, trong khi số tiền cọc đã được đem đi đầu tư vào những tài sản rủi ro và thua lỗ. Hiện nay xuất hiện không ít những câu chuyện về các “ông vua villa” sở hữu hàng chục bất động sản cho thuê đột nhiên biến mất bí ẩn.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng là ví dụ cho thấy tỷ lệ nợ hộ gia đình cao và bong bóng tài sản có thể gây khó cho chính sách tiền tệ như thế nào. Chưa rõ liệu những diễn biến tiêu cực trên thị trường nhà đất có khiến BOK ngừng tăng lãi suất hay không.
Oxford Economics dự báo BoK sẽ tiếp tục lộ trình trong khi ngân hàng Nomura nhận định Hàn Quốc sẽ phải đảo ngược chính sách vào tháng 5 tới, đến cuối năm nay lãi suất sẽ giảm xuống chỉ còn 2%.
Hiện tình hình ở hầu hết các nước khác vẫn tươi sáng hơn so với Hàn Quốc. Nhưng Australia, Canada, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển cũng có nợ hộ gia đình cao và giá nhà giảm mạnh như vậy, song tất cả đều tăng lãi suất muộn hơn Hàn Quốc, do đó “nỗi đau” chắc chắn sẽ đến muộn hơn. Họ nên nhìn vào những gì Hàn Quốc đang phải đối mặt để tính toàn dần biện pháp đối phó.
Vnmedia