Bất động sản Biz

Chủ đầu tư dự án Vinhomes Cổ Loa tăng tài sản lên 1 tỷ USD sau một quý, nhận hơn 12.000 tỷ đồng tiền cọc từ khách hàng

Thứ hai, 21/10/2024 | 13:39 Theo dõi BĐS Biz trên

CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - VEFAC (UPCoM: VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt gần 4 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là chủ đầu tư Vinhomes Cổ Loa nhận hơn 12.000 tỷ đồng tiền cọc từ khách hàng.

Chủ đầu tư dự án Vinhomes Cổ Loa tăng tài sản lên 1 tỷ USD sau một quý, nhận hơn 12.000 tỷ đồng tiền cọc từ khách hàng
 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - Mã: VEF) - công ty con của Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC), doanh nghiệp ghi nhận chưa tới 4 tỷ đồng doanh thu thuần, cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt hơn 247 triệu.

Doanh thu luôn ở mức thấp song nguồn thu chính của VEF đến chủ yếu từ lãi cho vay. Doanh thu tài chính kỳ này giảm 14% so với cùng kỳ còn 129 tỷ do VEF sử dụng nguồn tiền vào hoạt động phát triển các dự án đang triển khai.

Trừ đi các chi phí, VEF báo lãi sau thuế gần 85 tỷ, giảm 27% so với quý III năm ngoái.

Luỹ kế 9 tháng, VEF đạt 4,5 tỷ doanh thu thuần, lãi sau thuế 264 tỷ; tăng 60% về doanh thu nhưng giảm 23% về lợi nhuận so với 9 tháng đầu 2023.

Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 10 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Sau ba quý, VEF đã vượt 6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

VEF chính là công ty con của Vingroup, đây là chủ đầu tư của dự án Vinhomes Cổ Loa tại Đông Anh, Hà Nội - dự án gây sốt thị trường bất động sản trong quý III/2024 vừa qua. Đây cũng là quý mà doanh nghiệp có nhiều chuyển biến lớn trong cơ cấu tài sản nguồn vốn, cụ thể:

Quy mô tài sản tăng "chóng mặt": Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của VEF là 10.999 tỷ đồng, thì đến ngày 30/9 là 35.582 tỷ đồng (tăng 223%).

Sự tăng trưởng đột phá đến từ 2 khoản, gồm: (1) Chi phí sản xuất kinh doanh tại dự án Vinhomes Cổ Loa đạt 21.982 tỷ đồng (tăng 20.671 tỷ đồng trong 30 ngày), chủ yếu là tiền đất phải nộp; (2) Phải thu từ Vinhomes 11.371 tỷ đồng liên quan đến hoạt động bất động sản.

Anh 123

Tại thời điểm ngày 30/9, người mua trả tiền trước lên đến 12.169 tỷ đồng, trong khi ngày 30/6 chỉ là 402 triệu đồng. Bên cạnh đó, 14.017 tỷ đồng là phải trả ngắn hạn khác, chưa được thuyết minh cụ thể nguồn gốc từ đâu.

Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp hiện tại là 3.341 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 1.669 tỷ đồng.

Theo nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn vản mới đây, VEFAC là công ty hợp tác cùng Vinhomes thực hiện dự án Vinhomes Cổ Loa, trong đó VEFAC sẽ được hưởng 95% lợi ích thu được từ dự án còn Vinhomes được hưởng 5%.

Hiện tại, Vingroup là nhà đầu tư chiến lược sở hữu hơn 80% vốn điều lệ của VEFAC. Cuối tháng 8 vừa qua, Tập đoàn này chính thức khởi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. Với tổng quy mô 90 ha, dự án khi được hoàn thành sẽ thuộc Top 10 các trung tâm hội trợ, triển lãm lớn nhất thế giới.

Dự án bao gồm công trình triển lãm trong nhà mang hình ảnh thần Kim Quy với 9 phân khu có tổng diện tích hơn 130.000 m2, 4 khu công viên triển lãm ngoài trời với tổng quy mô lên đến 20,6 ha và hai nhà triển lãm trong nhà quy mô nhỏ khác cùng các công trình phụ trợ đa dạng…

Trong báo cáo mới đây, Vingroup cho biết sẽ thực hiện đúng cam kết là hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng chỉ sau hơn 10 tháng khởi công (khoảng tháng 7/2025).

Với Vinhomes Cổ Loa, sau sự kiện kick-off vào ngày 6/9, dự án đã chính thức nhận booking. Dự án này bao gồm 12.600 sản phẩm cao tầng và 4.100 sản phẩm thấp tầng.

Đáng nói, giá bán các sản phẩm tại dự án Vinhomes Cổ Loa được giới đầu tư và người dân có nhu cầu ở thực nhận định là có phần phi thực tế. Khi các loại hình căn hộ liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự dao động từ 300 triệu đồng/m2 - 700 triệu đồng/m2. Với giá bán bất động sản "một mình một ngựa" này kéo theo việc giá nhà đất kế cận dự án Vinhomes Cổ Loa sau một hồi tăng nóng nay đã chững lại.

Theo một số môi giới bất động sản, mức giá tham khảo này được các sàn giao dịch đưa ra, cho khách hàng booking có thể chỉ là hiệu ứng kích sóng. Người dân mua nhà ở thực, hay giới đầu tư sẽ không "xuống tiền" ngay do các yếu tố về tiện ích giao thông, dịch vụ hạ tầng, tiềm năng thương mại... tại dự án này trong ngắn hạn có thể đầu tư, dài hạn phải cân nhắc tránh rủi ro về dòng tiền.

Tùng Tâm

Theo sohuutritue.net.vn Copy
Bất động sản Biz