Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông đặc biệt quan tâm đến 3 nội dung lớn cần phải làm rõ tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh tiêu cực, tham nhũng…
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông đặc biệt quan tâm đến 3 nội dung lớn cần phải làm rõ tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh tiêu cực, tham nhũng…
Chia sẻ trên Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội, ĐBQH Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, Luật Đất đai có vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ Quốc hội 2021-2026, dự kiến phải thông qua tại 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng.
Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo không gian mới, động lực mới để đột phá phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt, sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, cài cắm lợi ích trong quá trình xây dựng pháp luật.
Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, ĐBQH Trần Văn Khải đặc biệt quan tâm đến ba nội dung lớn.
Thứ nhất, về giao đất, cho thuê đất được quy định tại Điều 64, 65, 66 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, qua nghiên cứu, Đại biểu thấy dự thảo Luật đang mở ra một số trường hợp giao đất không qua đấu giá, đấu thầu đất, có cả trường hợp đặc biệt, vì ưu đãi đầu tư và một số chính sách xã hội đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đất không qua đấu thầu, đấu giá.
“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn lý do, sự cần thiết quy định về việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với một số trường hợp mà dự thảo Luật nêu.” – Đại biểu nói. Ông cũng đề nghị những vấn đề này cần phải được lý giải hết sức tường minh, tránh tiêu cực, tham nhũng trong việc giao đất, cho thuê đất.
Thứ hai, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 70, Điều 71 của dự thảo Luật lần này. Qua nghiên cứu, Đại biểu Trần Văn Khải thấy dự thảo Luật chưa thể hiện rõ mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất, chưa bám sát và chưa thể chế hóa được tinh thần, đường lối, chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về vấn đề này.
ĐBQH Trần Văn Khải cho rằng, đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, bất ổn xã hội, nhất là khi thu hồi đất, đặc biệt là đất ở của người dân để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại khoản 2 Điều 81 dự thảo luật, cụ thể: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, ông Khải đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ như thế nào là đảm bảo cuộc sống điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quy định rõ tiêu chí để đánh giá, định lượng việc bồi thường tạo lập chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Có như vậy mới thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, bảo đảm tính khả thi, tránh khiếu kiện kéo dài.
Thứ ba, về giá đất quy định tại mục 2 Chương X trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đại biểu Trần Văn Khải đánh giá, giá đất là nội dung phức tạp và khó nhất. Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, ông thấy từ Điều 132 đến Điều 136 chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất như yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan xác định giá đất vì giá đất rất quan trọng nhưng dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề này, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.
Mặt khác, theo Đại biểu, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chưa làm rõ nội hàm của khái niệm “giá thị trường trong điều kiện bình thường”, các quy định trong dự thảo Luật chưa chặt chẽ, tường minh, tính khả thi chưa cao trong thực tiễn.
“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để định giá đất; Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong định giá đất; Quy định rõ vai trò trách nhiệm, quyền hạn của HĐND, UBND tại các địa phương; Phân cấp, phân quyền cho địa phương một cách cụ thể để thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai.” – ĐBQH Trần Văn Khải nêu ý kiến.
Xuân Hưng