Theo dữ liệu của Bộ Xây dựng, TP HCM chỉ duy nhất 1 dự án đủ điều kiện mở bán, cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM không có bất kỳ dự án nhà ở thương mại nào được phê duyệt trong quý quý vừa qua.
Theo dữ liệu của Bộ Xây dựng, TP HCM chỉ duy nhất 1 dự án đủ điều kiện mở bán, cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM không có bất kỳ dự án nhà ở thương mại nào được phê duyệt trong quý quý vừa qua.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý 3/2021, cả nước có khoảng 39 dự án nhà ở thương mại đang triển khai, dự kiến cung cấp thị trường khoảng 19.117 căn hộ. Trong đó, miền Bắc có khoảng 13 dự án được phê duyệt, tại miền Trung là 6 dự án và tại miền Nam là 18 dự án. Đa phần các dự án được phê duyệt mới đều nằm ở các đô thị nhỏ.
Đáng chú ý, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM không có bất kỳ dự án nhà ở thương mại nào được phê duyệt trong quý quý vừa qua.
Theo đánh giá, trong quý 3, thị trường BĐS TP.HCM phát triển chậm hơn so với quý 2 và chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, do thành phố vẫn đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nên không có biến động về lượng và giá nhà ở trên diện rộng. Nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế, hầu như không có.
Trong quý 3, TP HCM chỉ 1 dự án đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với tổng số 352 căn, giảm 85,7% so với quý 1 và giảm 87,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân, chưa đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những năm trở lại đây, số lượng dự án đủ điều kiện để đưa ra thị trường liên tục sụt giảm ở hầu hết các tỉnh thành, nhất là TP.HCM.
Trong đó, chủ yếu là các dự án nhà ở bị mắc kẹt thủ tục hành chính; các dự án có dính đến quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp… không thể hoàn thành được các thủ tục đầu tư xây dựng khi một số quy định pháp luật chưa đồng bộ, thiếu hợp lý.
Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, nếu giải quyết được những điểm nghẽn về pháp lý, tháo gỡ được ách tắc cho các dự án này thì nguồn cung sẽ cải thiện rất nhiều, góp phần giảm giá nhà, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Liên quan đến các dự án bị ách tắc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cũng cho biết, chỉ riêng TP.HCM có tới hơn 100 dự án tồn đọng. Mỗi dự án vướng khác nhau thì phải có hướng xử lý khác nhau nên rất mất thời gian. Dù vậy, nhất quyết phải gỡ bởi đây là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường phát triển.
Vị Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cũng thông tin, cuối năm 2020, đất công xen cài được tháo gỡ. Nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm khi đến nay TP.HCM vẫn chưa ban hành quyết định. Có những quy trình về đầu tư xây dựng TP đã chỉ đạo sở ngành xây dựng, tuy nhiên nay vẫn chưa làm nên hồ sơ dự án bị tắc, giảm nguồn cung dự án, sản phẩm, dẫn tới giá tăng liên tục vừa do quy luật cung cầu vừa do thể chế và thực thi pháp luật…
Theo ông Châu, thị trường có khả năng tự phục hồi nên doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ tiền mà chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách để có thể bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén chặt…
Nhằm tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, mới đây UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng sử dụng đất; hỗ trợ, miễn, giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các DN kinh doanh BĐS chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM kiến nghị cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh BĐS đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại (không phải làm nhà ở).
Đồng thời, cho phép chủ đầu tư hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án nhưng đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.
Ban hành quy định về thuế suất giao dịch BĐS và số lượng BĐS sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch BĐS và đảm bảo kinh doanh BĐS minh bạch và lành mạnh.
Hải Lan/Theo SHTT
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/tp-hcm-chi-1-du-an-du-dieu-kien-mo-ban-khong-co-du-an-moi-duoc-phe-duyet-trong-quy-3-d119048.html