Nhóm nhà thầu vừa giành gói thầu 6.300 tỷ đồng tại Sân bay Long Thành từng liên danh và trúng gói thầu trị giá 8.100 tỷ đồng vào tháng 8/2023.
Nhóm nhà thầu vừa giành gói thầu 6.300 tỷ đồng tại Sân bay Long Thành từng liên danh và trúng gói thầu trị giá 8.100 tỷ đồng vào tháng 8/2023.
Mới đây, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã chấp thuận cho liên danh nhà thầu bao gồm Tổng CTCP Xây dựng Công trình Hàng không ACC, Tổng CTCP Xây dựng Trường Sơn, Vinaconex, CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Cienco4 và CTCP Xây dựng Công trình hàng không Sáu Bốn Bảy trúng gói thầu 4.7 trị giá hơn 6.300 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Liên danh do ACC đứng đầu đã đánh bại nhóm liên danh do Tập đoàn Đèo Cả dẫn đầu (bao gồm Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, Lizen, Sơn Hải...).
Các doanh nghiệp trong liên danh ACC đều là những đơn vị có tiềm lực mạnh và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư công.
Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các công trình quốc phòng, công trình hàng không, giao thông vận tải, công trình công nghiệp, dân dụng...
Tại dự án sân bay Long Thành, ACC đang thực hiện gói thầu 4.6 “Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất-hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các công trình khác” thuộc dự án thành phần 3-dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với tổng trị giá gói thầu hơn 1.900 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh thu của ACC đạt 2.334 tỷ đồng nhưng lợi nhuận 25 tỷ đồng, và nộp ngân sách 69 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động tại ACC đạt hơn 14 triệu đồng/tháng.
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) cũng là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, từng tham gia thi công nhiều công trình giao thông vận tải đảm bảo tiến độ, chất lượng, được chủ đầu tư đánh giá cao. Có thể kể đến 1 số dự án như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Bắc Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Giầu Dây, hầm đường bộ Hải Vân, sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Vinh...
CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam, là doanh nghiệp tập trung vào hoạt động thi công và xây lắp tại các dự án giao thông, hạ tầng và công trình dân dụng. Công ty từng thi công hạ tầng khu ô tô tại nhà máy Sản xuất ô tô VinFast (Hải Phòng); xây dựng hệ thống chiếu sáng tại Khu công nghiệp Yên Phong - Samsung (Bắc Ninh); thi công hoàn thiện nhà máy nhựa EuroPipe có tổng mức đầu tư 455 tỷ đồng tại Thái Nguyên và nhiều công trình lớn khác.
CTCP Xây dựng Công trình Hàng không Sáu Bốn Bảy là thành viên của Tổng Công Ty Xây Dựng Công Trình Giao Thông 6 - CTCP. Công ty cũng góp mặt trong liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình hàng không ACC – TCT Xây dựng Trường Sơn – Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) – CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam – CTCP Tập đoàn Cienco4 để trúng gói thầu 4.6 có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành. Đây là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của đại công trình sân bay Long Thành, sau gói 5.10 trị giá 35.000 tỷ.
Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) là cái tên rất quen thuộc trong nhiều dự án cao tốc, và gần đây nhất là góp mặt trong liên danh Vietur trúng gói thầu 5.10 có giá trị hơn 35.000 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành cách đây một năm.
Cùng thời điểm, Vinaconex cũng góp mặt trong liên danh duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 4.6 (thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác), có giá trị hơn 8.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinaconex cũng góp mặt ở một gói thầu thuộc dự án thành phần 3, sân bay Long Thành là gói 3.4 (thi công san nền và thoát nước), tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng cùng các nhà thầu khác là Trường Sơn, Cienco8 và Phúc Lộc.
Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2024, Vinaconex ghi nhận 5.449 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% còn lãi sau thuế gấp 3,6 lần cùng kỳ lên 646 tỷ đồng, thực hiện 68% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lãi ròng 580 tỷ, gấp 4,5 lần nửa đầu năm 2023.
Trong đó, mảng xây lắp đem về cho doanh nghiệp 3.482 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận gộp 137 tỷ tức biên lợi nhuận chưa tới 4%. Song con số này đã cải thiện hơn so với năm 2023. Năm ngoái, Vinaconex ghi nhận khoản lợi nhuận gộp từ mảng xây lắp âm 242 tỷ đồng.
Doanh thu từ kinh doanh bất động sản cũng ghi nhận giảm sâu 81% còn 312 tỷ trong nửa đầu năm.
Các năm gần đây, doanh thu thuần tại Vinaconex liên tục tăng trưởng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, song lợi nhuận mang về lại teo tóp dần, từ nghìn tỷ xuống còn vỏn vẹn vài trăm tỷ.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản tính đến cuối quý II/2024 đạt 28.644 tỷ. Doanh nghiệp nắm giữ khoảng 2.755 tỷ đồng, tiền và tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 300 tỷ sau một quý.
Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho với 7.596 tỷ và chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 6.630 tỷ đồng. Song ở báo cáo tự lập quý II, Vinaconex không thuyết minh chi tiết hàng tồn kho.
Còn với chi phí xây dựng cơ bản dở dang nằm chủ yếu ở dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá Cát Bà.
Dư nợ vay cuối quý II/2024 của Vinaconex ở mức 8.919 tỷ đồng, giảm không nhiều so với đầu năm. Trong đó dư nợ vay dài hạn là 3.785 tỷ.
Các khoản vay của tổng công ty chủ yếu từ ngân hàng và phần dư nợ trái phiếu đã được tất toán sạch trong quý. Nửa đầu năm, doanh nghiệp vay thêm 5.331 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 7.512 tỷ đồng. Trong bối cảnh lãi suất giảm sâu, tổng chi phí lãi vay hai quý là 238 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái.
Tập Đoàn Cienco4 (Mã: C4G) là đơn vị kế thừa truyền thống Cục Công trình - Bộ Giao thông vận tải được thành lập ngày 27/12/1962 để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Cienco4 đã để lại nhiều dấu ấn tại các công trình như: Dự án nâng cấp QL1A đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát, Nam cầu Bến Thủy – Tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh, đường nối sân bay Nội Bài – cầu Nhật Tân…
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, Cienco4 ghi nhận 1.534 tỷ đồng doanh thu và 101 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 42%, 38% so với cùng kỳ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ công công ty đã thông qua mục tiêu 4.500 tỷ đồng doanh thu và 250 tỷ đồng lãi sau thuế. Kết thúc hai quý, Cienco4 đã thực hiện được 40% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Trước năm 2020, doanh thu tại Cienco4 dao động quanh mức 4.000 tỷ đồng đến 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn dưới 200 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, doanh thu bị thu hẹp lại, quanh mức 1.800 tỷ đồng đến gần 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng không có nhiều thay đổi, chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đến hơn trăm tỷ đồng.
Về quy mô tài sản, tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của Cienco4 đạt 9.668 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 575 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng 15% lên 916 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đến từ các dự án như công trình Bến Thành Suối Tiên, dự án khu đô thị Long Sơn, dự án khu đô thị T&C – 61 Nguyễn Trường Tộ…
Tính đến cuối quý II/2024, nợ phải trả của Cienco4 là hơn 5.823 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu (3.845 tỷ đồng). Dư nợ vay tài chính ở mức 2.921 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn. Nửa đầu năm nay, công ty phải trà gần 94 tỷ đồng tiền lãi vay.
Hoàng Trang