Trong 3 tuần Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường hơn 60.000 tỷ đồng
Trong 3 tuần Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường hơn 60.000 tỷ đồng
Theo Bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần của SSI Research cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong tuần trước (15-19/11) được hỗ trợ bởi khối lượng lớn VND cung ứng đồng thời từ nguồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn và mua giao ngay, trong khi kênh trung hòa truyền thống (nghiệp vụ thị trường mở) không có giao dịch.
Theo đó, chỉ riêng trong vòng 3 tuần đầu tháng 11, lượng VND bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ của NHNN lên tới hơn 60 nghìn tỷ đồng, và điều này giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm, kết tuần ở mức 0,65% (giảm 4 điểm cơ bản) cho kỳ hạn qua đêm và 0,75% (giảm 3 điểm cơ bản) cho kỳ hạn 1 tuần.
Theo số liệu mới cập nhật từ NHNN, tăng trưởng huy động giảm rõ rệt kể từ tháng 4/2021 trong bối cảnh tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng giảm.
Cụ thể, tổng lượng tiền gửi trong nền kinh tế đạt 10,5 triệu tỷ đồng tính đến hết tháng 9, tăng 11,2% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức 12,6% vào năm 2020), chủ yếu là do mức tăng trưởng sụt giảm mạnh từ tiền gửi khu vực dân cư. Theo đó, tăng trưởng huy động khu vực này chỉ trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020 khi môi trường lãi suất tiền gửi ở mức thấp trong lịch sử.
Trong giai đoạn 2 tháng cuối năm 2021, SSI cho rằng tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ.
"Một điểm cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế 2020-2021 ở mức thấp, nhiều khả năng ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân nói chung, do đó cũng khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng", chuyên gia của SSI nhận định.
Mobifone chính thức triển khai thí điểm Mobile Money
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký quyết định số 1818/QĐ-NHNN ngày 18/11/2021 chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) cho Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Như vậy, MobiFone đã trở thành nhà mạng di động đầu tiên được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money trên phạm vi toàn quốc, thời gian thí điểm đến ngày 18/11/2023.
Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc của MobiFone,… mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone, không cần kết nối internet.
Trong giai đoạn đầu, MobiFone sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc. Sau đó sẽ tiếp tục mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch của các đối tác, đại lý.
Dịch vụ Mobile Money sẽ góp phần đưa dịch vụ thanh toán điện tử có thể tiếp cận đến 100% người dân, đặc biệt với những người ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều mà các dịch vụ ngân hàng truyền thống, ví điện tử chưa làm được. Mobile Money sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của chính phủ, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện mọi mặt của xã hội.
Với việc được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho phép thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money, MobiFone sẽ khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện các bước chuẩn bị cuối cùng để có thể cung cấp dịch vụ tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Bản Việt triển khai thành công “mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều”
Sau 2 năm triển khai “Mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều” dưới sự tư vấn của đối tác Cty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam, giữa tháng 11 vừa qua Bản Việt cùng KPMG đã hoàn tất giai đoạn 2, là giai đoạn cuối cùng của dự án với nhiều thành công đáng ghi nhận.
Để thực hiện mô hình này, Ngân hàng Bản Việt triển khai làm 2 giai đoạn dưới sự tư vấn toàn diện của KPMG. Giai đoạn 1, mô hình được thiết kế và kiểm định thử trên một nền tảng đơn giản, dễ sử dụng để ngân hàng đánh giá tính khả thi và phù hợp của mô hình với mục tiêu của ngân hàng.
Sau thành công giai đoạn 1, giai đoạn 2, ngân hàng triển khai tích hợp mô hình vào hệ thống của ngân hàng với một giải pháp phần mềm quản lý lợi nhuận thích hợp.
Kết quả của việc triển khai mô hình này, Ngân hàng Bản Việt sẽ có thêm công cụ để hỗ trợ việc thực hiện các quyết định kinh doanh chiến lược liên quan đến doanh thu, chi phí, thúc đẩy lợi nhuận.
Đại diện KPMG chia sẻ: "Mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều của Ngân hàng Bản Việt được KPMG xây dựng theo thông lệ tiên tiến hiện đang được áp dụng ở nhiều ngân hàng bán lẻ trên thế giới.
Chính vì vậy chúng tôi rất vinh dự và kỳ vọng dự án này sẽ hỗ trợ được nhiều cho ngân hàng trong hoạt động kinh doanh, vận hành cũng như đáp ứng kịp thời những thay đổi của thị trường. Tuy dự án đi vào giai đoạn nước rút ngay thời điểm dịch Covid 19 bùng phát lần thứ 4, gặp phải một số khó khăn, nhưng cả hai bên đã rất quyết tâm và hoàn tất dự án một cách thành công"
Được biết, KPMG chính là đối tác tư vấn thành công rất nhiều dự án quan trọng của ngân hàng Bản Việt như: Basel II, IFRS9, Lợi nhuận điều chỉnh rủi ro trên vốn (RAROC). Tiếp nối thành công dự án "mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều", Bản Việt sẽ tiếp tục bắt tay cùng KPMG thực hiện dự án Xây dựng hệ thống Báo cáo Quản trị (MIS) cho chức năng Kinh doanh và Tài chính.
Theo Huy Tùng (T/H)/petrotimes.vn
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-nhanh-ngan-hang-ngay-2311-trong-3-tuan-ngan-hang-nha-nuoc-bom-ra-thi-truong-hon-60000-ty-dong-633505.html