Ngân hàng SHB tăng ''room'' ngoại thêm 20%; Gỡ ngay ứng dụng QR Code & Barcode - Scanner để tránh bị mất tiền ngân hàng; Cảnh báo nguy cơ từ dịch vụ rút tiền mặt, đáo hạn thẻ tín dụng "chui" …là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Ngân hàng SHB tăng ''room'' ngoại thêm 20%; Gỡ ngay ứng dụng QR Code & Barcode - Scanner để tránh bị mất tiền ngân hàng; Cảnh báo nguy cơ từ dịch vụ rút tiền mặt, đáo hạn thẻ tín dụng "chui" …là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Nam A Bank triển khai nhiều ưu đãi cho khách hàng nữ nhân ngày 8/3
Mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Nam A Bank triển khai ưu đãi nhân ba: Hoàn tiền, cộng thêm lãi suất, tặng tài khoản thanh toán số đẹp cho các khách hàng nữ giao dịch tại quầy và kênh Ngân hàng số Open Banking 2.0, ONEBANK.
Đây là chương trình đặc biệt Nam A Bank dành riêng cho một nửa thế giới, thay lời tri ân đến các khách hàng nữ đã luôn tin yêu và đồng hành sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong suốt chặng đường 30 năm phát triển.
Chương trình ưu đãi triển khai trên toàn quốc duy nhất vào ngày 8/3. Cụ thể, 830 khách hàng nữ đầu tiên mở mới CIF và Tài khoản thanh toán thành công qua eKYC trên Open Banking hoặc ONEBANK, thực hiện nạp tiền vào tài khoản thanh toán tối thiểu 500.000VND sẽ được tặng ngay 83.000 VND.
Bên cạnh đó, khách hàng còn được cộng thêm lãi suất lên đến 0,83% áp dụng cho sản phẩm Tiết kiệm thông thường cùng ưu đãi tặng Tài khoản thanh toán số đẹp theo số điện thoại, căn cước công dân hoặc số tự chọn. Các ưu đãi này áp dụng cho kênh giao dịch tại quầy.
Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày để bày tỏ yêu thương, quan tâm đến phái đẹp, tôn vinh vai trò và những sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ. Tại Nam A Bank, một nửa thế giới luôn là những khách hàng được ưu tiên và chăm sóc với những đặc quyền riêng biệt từ cung cách phục vụ, gói sản phẩm Happy Lady, chương trình tri ân,…
Song song đó, Nam A Bank vẫn đang triển khai chương trình khuyến mãi "Xuân sum vầy – Tết đủ đầy" với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình ưu đãi thẻ tín dụng, bảo hiểm FWD mang đến nhiều voucher quà tặng hấp dẫn cho khách hàng: hoàn tiền đến 400.000 VND khi mở thẻ tín dụng JCB và Happy Card, ưu đãi giảm giá tại các đối tác Tiki, Shopee, Lazada, Điện máy Xanh, Thế giới di động, Grab,…
Ngân hàng SHB tăng ''room'' ngoại thêm 20%
Vừa qua, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa của mã chứng khoán SHB từ 10% lên 30%. Thời gian điều chỉnh là ngày 4/3/2022.
Động thái nới ''room'' ngoại của SHB diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này là khá thấp so với các nhà băng khác, chỉ ở mức trên 3,3% vào ngày 4/3.
Trước đó, vào tháng 8/2022, SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua.
Trong đợt phát hành gần nhất, SHB đã chào bán thành công hơn 539 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức hơn 26.674 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng cũng đã hoàn tất phát hành hơn 202 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 10,5%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, SHB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 cũng chấp thuận nội dung tăng vốn thêm 5.000 tỷ từ việc phát hành cổ phiếu tăng thêm dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Số lượng cổ phiếu chào bán không quá 20% số lượng cổ phiếu đã phát hành của SHB tại thời điểm hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư.
Trao đổi với cổ đông khi đó, lãnh đạo SHB cho biết có một số tập đoàn tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư trên thế giới đang muốn trở thành nhà đầu tư của ngân hàng này.
Gỡ ngay ứng dụng QR Code & Barcode - Scanner để tránh bị mất tiền ngân hàng
Nếu điện thoại của bạn có đang cài ứng dụng QR Code & Barcode - Scanner, hãy gỡ ngay để tránh bị mất tiền ngân hàng.
Các nhà nghiên cứu bảo mật tại Cleafy mới đây đã phát hiện nhiều ứng dụng trên Google Play bị nhiễm trojan ngân hàng TeaBot.
Trojan TeaBot xuất hiện từ năm 2021, cố gắng thu hút người dùng thông qua tin nhắn giả mạo (có chứa các liên kết độc hại). TeaBot chủ yếu nhắm vào các ứng dụng ngân hàng, tiền điện tử và bảo hiểm kỹ thuật số ở Mỹ, châu Âu và Hong Kong.
TeaBot hoạt động bằng cách sử dụng thao túng các dịch vụ trợ năng, cho phép kẻ tấn công theo dõi và tương tác từ xa với điện thoại. QR Code & Barcode - Scanner là một trong những ứng dụng mới nhất bị nhiễm TeaBot, hiện có hơn 10.000 lượt cài đặt.
Ban đầu ứng dụng sẽ hoạt động hoàn toàn bình thường, đúng như tên gọi. Tuy nhiên, không lâu sau QR Code & Barcode - Scanner sẽ hiển thị một cửa sổ yêu cầu người dùng cài đặt thêm các tiện ích bổ sung, khiến điện thoại bị nhiễm TeaBot.
Sau khi xâm nhập thành công, phần mềm độc hại sẽ yêu cầu quyền sử dụng các dịch vụ trợ năng, kiểm soát màn hình và ghi lại các thông tin đăng nhập, SMS, mã xác thực hai yếu tố… TeaBot phiên bản 2022 đã được bổ sung thêm 2 ngôn ngữ mới (tiếng Nga và tiếng Quan Thoại), điều này đồng nghĩa với việc tin tặc đang muốn mở rộng mục tiêu tấn công đến các quốc gia khác.
QR Code & Barcode - Scanner đã bị Google xóa khỏi cửa hàng ứng dụng, nhưng chúng sẽ vẫn tồn tại trên điện thoại nếu bạn đã lỡ cài đặt trước đó. Vì vậy, người dùng nên xóa ứng dụng ngay lập tức bằng cách nhấn im biểu tượng ứng dụng, sau đó chọn Uninstall (gỡ cài đặt).
Cảnh báo nguy cơ từ dịch vụ rút tiền mặt, đáo hạn thẻ tín dụng "chui"
Thời gian qua, nắm bắt nhu cầu rút tiền mặt từ thẻ tín dụng của người dân, một số đối tượng đã mạo danh nhân viên ngân hàng tiếp cận và lừa đảo với thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đối tượng gọi điện từ số cá nhân, số sim rác hoặc nhắn tin mời chào khách hàng rút tiền mặt, đáo hạn hàng tháng, hoặc chuyển trả góp qua thẻ tín dụng với lãi suất thấp.
Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ yêu cầu gửi thông tin của thẻ tín dụng, hình ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần, thực chất là mã xác thực một lần (OTP) của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng và số tiền cần rút. Thậm chí, một số khách hàng trước khi cung cấp thông tin còn được kẻ gian yêu cầu che đi mã CVV để tạo niềm tin.
Đáo hạn thẻ tín dụng thực chất là hình thức hoạt động rút tiền từ thẻ tín dụng “chui” qua máy chấp nhận thanh toán thẻ POS. Phí rút tiền dao động từ 1-2% và có thể rút 100% hạn mức.
Mới đây, đại diện một ngân hàng TMCP cho biết, việc yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân đều là lừa đảo vì dịch vụ hỗ trợ thẻ tín dụng của các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin trên.
Để bảo vệ tài sản và an toàn khi sử dụng thẻ tín dụng, các ngân hàng lưu ý chủ thẻ tuyệt đối không chụp ảnh có thông tin thẻ gửi cho người khác; không đọc mã OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Nếu nhận được các cuộc gọi tư vấn từ số di động cá nhân, khách hàng nên xác thực lại thông tin với ngân hàng.
Trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ lừa đảo, người dùng cần lập tức khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng đang bị kẻ gian tìm cách lấy cắp thông tin. Đồng thời, khách hàng liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời và trình báo tới cơ quan công an gần nhất để tố giác tội phạm.
Huy Tùng (T/H)/Theo Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-83-nam-a-bank-trien-khai-nhieu-uu-dai-cho-khach-hang-nu-nhan-ngay-83-644158.html