Gần 600.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2021; Đầu tuần Ngân hàng Nhà nước bơm ròng mạnh vào hệ thống…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Gần 600.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2021; Đầu tuần Ngân hàng Nhà nước bơm ròng mạnh vào hệ thống…là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Năm 2021, Techcombank đạt 23.238 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 47% so với năm 2020
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – TCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 với kết quả kinh doanh ấn tượng.
Theo đó, năm 2021, ngân hàng đạt kỷ lục hơn 23,000 tỷ đồng ( khoảng 1 tỷ USD) lợi nhuận trước thuế. Nhà băng này tiếp tục củng cố vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lần lượt đạt 50,5% và 3,7%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II vững mạnh, đạt 15%.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động năm 2021 tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 37,1 nghìn tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Thu nhập từ lãi đạt 26,7 nghìn tỷ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,9% của năm 2020).
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 42,4%, đạt 7,8 nghìn tỷ đồng với sự đóng góp từ tất cả các loại phí chủ chốt. Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB), cấu phần lớn nhất trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ, đạt 3,6 nghìn tỷ và tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Phí từ hoạt động phân phối trái phiếu tăng 57,4% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 66,7% trong năm 2021, do công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng lớn hơn (tăng 30%).
Phí dịch vụ bảo hiểm vẫn tiếp tục tăng 88,4% trong năm 2021, nâng mức phí này lên 1,6 nghìn tỷ đồng. Doanh thu khai thác mới (APE) trong quý 4 tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 104,5% so với quý 3, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, và nhờ đẩy mạnh mối quan hệ đối tác giữa Techcombank và Manulife Việt Nam.
Chi phí hoạt động tăng 24,6% so với cùng kỳ, đạt 11,2 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,1%. Các khoản đầu tư vào công nghệ và chi phí marketing bắt đầu tăng trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, đồng thời tập khách hàng của cả Techcombank và TCBS đều tăng.
Chi phí dự phòng ở mức 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, do ngân hàng chủ động trích trước đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu vào cuối năm 2021, thay vì phân bổ trong 3 năm với mức yêu cầu tối thiểu bắt buộc là 30% cho năm đầu.
Gần 600.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong năm 2021
Trong năm 2021 có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ và 23 đợt phát hành ra công chúng, 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho hay, trong năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570 nghìn tỷ đồng (chiếm 95.8% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26.34 nghìn tỷ (chiếm 4.6% tổng giá trị phát hành) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.
Trong năm 2021, nhóm ngân hàng thương mại hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành 223.01 nghìn tỷ đồng, có 55.3 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm. Một số ngân hàng có khối lượng phát hành đáng chú ý trong năm như NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (17,030 tỷ đồng), NH TMCP Sài Gòn- Hà Nội (13,350 tỷ đồng). Trong nhóm ngân hàng, tháng 12 là thời điểm phát hành nhiều nhất với tổng giá trị 46,926 tỷ đồng (chiếm trên 1/5 tổng khối lượng phát hành của cả năm 2021).
Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt 214.44 nghìn tỷ đồng, chiếm 36%. Trong đó có khoảng có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8%-13%/năm, bên cạnh đó có một vài doanh nghiệp có mức lãi suất phát hành chỉ ở mức khoảng 5%-6%/năm. Kỳ hạn 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm với 142,389 tỷ đồng, chiếm 67.33%.
Trong năm 2021, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD), trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD).
Đầu tuần Ngân hàng Nhà nước bơm ròng mạnh vào hệ thống
Trên thị trường mở trong tuần trước đã có những phiên Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hỗ trợ thanh khoản hệ thống với hơn 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 2,5%/năm.
Sang đầu tuần này, phiên hôm qua (24/1) mở đầu tuần cao điểm cuối cùng đón Tết Nguyên đán, lượng bơm ròng đã mạnh hơn nhiều và kỳ hạn có điều chỉnh.
Cụ thể, hôm qua có 2.937,43 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước bơm vào hệ thống, kỳ hạn 14 ngày (thu hẹp so với 28 ngày trước đó), lãi suất 2,5% và đã có 3 thành viên tham gia thay vì chỉ 1 như tuần trước.
Tính chung, số vốn Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hỗ trợ thanh khoản hệ thống qua kênh này mới chỉ gần 3.000 tỷ đồng đang lưu hành.
Bước đầu mức độ trên cho thấy áp lực thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn chưa lớn, ít nhất là so với tuần cận Tết Nguyên đán năm ngoái.
Năm ngoái, hệ thống đón Tết với tuần cao điểm bơm ròng rất mạnh từ Ngân hàng Nhà nước, với quy mô những phiên liên tiếp tới 12.000 tỷ đồng và gần 15.000 tỷ đồng. Và lãi suất cũng tăng rất mạnh lên mức cao trên thị trường liên ngân hàng .
Mùa cao điểm đón Tết năm ngoái Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tới 50.726 tỷ đồng, với những phiên có tới 11 thành viên tiếp cận nguồn hỗ trợ. Lãi suất VND qua đêm thời điểm đó cũng lên tới 2,2-2,5%/năm.
Còn năm nay, bước đầu cho thấy lượng bơm ròng hỗ trợ thanh khoản hệ thống chưa lớn, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn chỉ nhỉnh hơn 1%/năm – rất thấp so với năm ngoái.
Theo đó có thể dự kiến hệ thống ngân hàng đã chủ động nguồn và thanh khoản tốt hơn năm ngoái, chi phí lãi suất "vay nóng" dự kiến được giảm thiểu đáng kể.
Huy Tùng (t/h)/Petrotimes.vn
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-2512022-nam-2021-techcombank-dat-23238-ty-dong-loi-nhuan-truoc-thue-tang-47-so-voi-nam-2020-640113.html