Hà Nội bắt đầu thanh tra loạt ông lớn bất động sản, Bộ Tài Chính công bố 20 doanh nghiệp địa ốc vay trái phiếu nhiều nhất năm 2021, tranh cãi đề xuất thời hạn sở hữu chung cư từ 50 - 70 năm… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Hà Nội bắt đầu thanh tra loạt ông lớn bất động sản, Bộ Tài Chính công bố 20 doanh nghiệp địa ốc vay trái phiếu nhiều nhất năm 2021, tranh cãi đề xuất thời hạn sở hữu chung cư từ 50 - 70 năm… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.
Tranh cãi đề xuất thời hạn sở hữu chung cư từ 50 - 70 năm
Theo đề xuất chính sách sửa đổi Luật Nhà ở Bộ xây dựng báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, có nội dung đề xuất về thời hạn sở hữu nhà chung cư theo 2 phương án: một là theo thời hạn sử dụng công trình, hai là theo thời hạn sử dụng đất (theo quy định của pháp luật về đất đai).
Bên cạnh những quan điểm tỏ ra đồng tình, nhiều ý kiến đang lo ngại về việc nhà chung cư sẽ có thời hạn "chỉ từ 50 - 70 năm" thay vì có thời hạn "lâu dài" như hiện nay.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, Bộ đưa ra đề xuất này xuất phát từ yêu cầu trong quản lý và sử dụng nhà chung cư, liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân đang sinh sống tại chung cư hiện nay, từ thực tế vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện các chính sách cải tạo nhà chung cư hiện nay và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, như Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Anh…
Theo pháp luật hiện hành, khi đặt vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Hiện Bộ xây dựng đang đề xuất 2 phương án, trong đó có phương án xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng của công trình.
Trong thời gian tới, khi nghiên cứu xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, nội dung này sẽ được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân… và Quốc hội cũng sẽ thảo luận, xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ sở hữu nhà chung cư.
Hà Nội bắt đầu thanh tra loạt ông lớn bất động sản
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội vừa quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai.
Theo quyết định này, có nhiều “ông lớn” bất động sản thuộc đối tượng thanh tra như Tập đoàn Nam Cường với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam (huyện Quốc Oai); Vietracimex với dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch; Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) đối với dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao; Sudico với dự án phần mở rộng khu B huyện Hoài Đức, Công ty CP Đầu tư An Lạc với dự án Khu đô thị mới thuộc khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức)…
Bên cạnh đó còn thanh tra Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần xây dựng sông Hồng, Công ty TNHH xây dựng IDC với các dự án ở quận Tây Hồ, Công ty TNHH Phú Đạt có các dự án huyện Thạch Thất, Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty cổ phần Kết Thành...
Bộ Tài Chính công bố 20 doanh nghiệp địa ốc vay trái phiếu nhiều nhất năm 2021
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất và 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành lớn nhất trong năm 2021.
Bộ Tài chính cho biết tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng), chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.
Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 18,2%GDP, tăng 42,4% so với cuối năm 2020 (17,11%GDP). Lãi suất phát hành bình quân TPDN riêng lẻ năm 2021 là 7,94%/năm, giảm 1,4%/năm so với năm 2020, thấp hơn 1%-2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay.
Tại Báo cáo này, Bộ Tài chính cũng cho biết có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trong năm 2021 đã vay tổng số nợ lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua có: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas.
Trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN để vay nợ nhiều nhất trong năm 2021 theo Bộ Tài chính còn có nhiều "ông lớn" trong ngành bất động sản như: Công ty CP đầu tư Golden Hill, Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An, Vinaconex,…
Thanh tra hoạt động công chứng đất đai tại Phú Quốc
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại lĩnh vực đất đai, tài sản trên địa bàn TP Phú Quốc có một số vụ việc có nội dung, hồ sơ và tài liệu liên quan đến hoạt động công chứng, chứng thực, lập vi bằng của các tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn trong việc thẩm định, giải quyết khiếu nại.
Để hoạt động công chứng, chứng thực, lập vi bằng đúng quy định pháp luật và công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai, tài sản được chính xác, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố như sau: Đối với Sở Tư pháp, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch và hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật.
Riêng năm 2022, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng, chứng thực, thừa phát lại trên địa bàn TP Phú Quốc; đối với hoạt động thừa phát lại có thực hiện hành vi cố tình lập vi bằng việc mua bán đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, lập vi bằng việc giao nhận tiền để che dấu mục đích không phù hợp với quy định pháp luật, báo cáo kết quả bằng văn bản trong tháng 8/2022.
Yêu cầu Hội Công chứng tỉnh tăng cường việc quản lý hội viên, nhất là việc thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Đối với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh cũng yêu cầu cần tăng cường kiểm tra việc chứng thực hợp đồng, giao dịch của UBND cấp xã, phường để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sai sót, hạn chế trong công tác công chứng, chứng thực…
Hà Nội dự kiến đưa Đông Anh và Gia Lâm lên quận vào năm sau
Sáng 2/6, Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) của TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thực hiện đề án này.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, sau khi rà soát, các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng đều có tiêu chí giữ nguyên so với thời điểm tháng 12/2021. Riêng huyện Đông Anh sau khi rà soát và tích cực thực hiện đã tăng thêm 5 tiêu chí.
Đối với 27 tiêu chí huyện thành quận, huyện Đan Phượng đạt 21 tiêu chí, huyện Đông Anh còn thiếu tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, huyện Gia Lâm còn hai tiêu chí, huyện Hoài Đức đã đạt 22 tiêu chí, huyện Thanh Trì thiếu ba tiêu chí.
Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đến năm 2025 sẽ có hai huyện là Đông Anh và Gia Lâm có khả năng hoàn thành đề án, ba huyện còn lại Hoài Đức, Thanh Trì và Đan Phượng còn chưa hoàn thành 3 đến 6 tiêu chí, việc hoàn thành đề án đến năm 2025 khó khả thi.
Tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, thời gian tới các ban ngành xác định lộ trình và tới đây báo cáo với Thường vụ quyết tâm phấn đấu đến năm 2023 đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận. Ngoài ra, tính toán lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính sau khi các huyện lên quận.
Theo Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/tin-bat-dong-san-noi-bat-trong-tuan-ha-noi-bat-dau-thanh-tra-loat-ong-lon-bat-dong-san-d143205.html